9 vùng sinh thái đặc trưng
Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, các yếu tố địa mạo, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn quyết định đến việc hình thành các vùng sinh thái nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Chế độ mưa, sự phân bố mưa, độ sâu ngập, thời gian ngập lũ đã làm nên các đặc trưng của các vùng sinh thái nông nghiệp, quyết định đến sự phân bố hệ thống canh thác cũng như thời vụ gieo cấy, nuôi trồng của mỗi vùng.
Từ những đặc trưng này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long có thể chia thành 9 vùng sinh thái nông nghiệp. Đó là: Vùng phù sa ven và giữa sông Tiền - sông Hậu với đặc trưng là vùng ngập lũ ven sông, phù sa màu mỡ; Vùng Đồng Tháp Mười là vùng đồng lũ kín, gần nguồn cấp nước ngọt, đa dạng sinh học phong phú; Vùng Tứ giác Long Xuyên là vùng đồng lũ hở, gần biển nên khả năng thoát lũ tốt, có diện tích đất nhiễm phèn và vùng nước lợ.
Ngoài ra còn vùng bán đảo Cà Mau - khả năng thoát nước kém, đất nhiễm mặn; vùng đồng bằng biển cao; vùng đồng bằng ven biển ngập triểu; vùng trũng U Minh, vùng thềm phù sa cổ và vùng đồi núi sót.
Thở cùng nhịp thở tự nhiên
Hơn 300 năm khai phá và tạo dựng nên một đồng bằng sông Cửu Long trù phú, người dân nơi đây đã biết cách nương vào tự nhiên, thế đất, thế sông, thế núi để sinh sống.
“Bà con đã thực thi và phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái hoàn toàn thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Người nông dân đã hòa mình và thực sự thở cùng nhịp thở của các hệ thống sông ngòi, kênh rạch cũng như các nhịp điệu mùa của tự nhiên”, ông Hùng ví von.
Để đối phó với mùa khô thiếu nước, người dân sử dụng các lu, khạp trữ nước. Các khu đất sau nhà thường trồng cây trái, nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập. Đây cũng là khoảng không gian xanh làm dịu mát không khí ngày nắng hạn.
Đối với việc sản xuất nông nghiệp, sự phân bố các vùng canh tác lúa của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Hùng, là hết sức phù hợp với điều kiện sinh thái.
Trước đây, các vùng canh tác hai vụ lúa thường phân bố ở những nơi có điều kiện về tưới tiêu, thực hiện hai vụ đông xuân (tháng 11 đến tháng 4 năm sau) và hè thu (tháng 4 đến tháng 8). Đối với vùng ít nước tươi, nông dân thực hiện hai vụ hè thu và mùa (gieo trồng trong mùa mưa) vì vụ hè thu cần bổ sung nước tưới, còn vụ mùa dựa hoàn toàn vào nước trời. Rõ ràng mô hình canh tác này sử dụng ít năng lượng, nước tưới hơn các mô hình canh tác có tưới hiện nay.
Để hạn chế lũ, hạn, người nông dân áp dụng sáng tạo các biện pháp làm đất để lợi dụng độ ẩm của đất hoặc gieo cấy như sạ ngầm, sạ gửi, cấy lúa hai lần… Trên ruộng lúa, bà con thường dành 20% diện tích để làm đìa nuôi tôm cá, áp dụng các biện pháp phòng trừ địch hại, giảm lượng thuốc trừ sâu, phân bón… Hệ thống nuôi trồng thủy sản xen canh hoặc luân canh với lúa không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn cải thiện điều kiện đất đai, khí hậu và duy trì nguồn nước…
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, việc nghiên cứu các kinh nghiệm của người dân bản địa trong sinh sống, canh tác hết sức cần thiết. Ứng phó không phải là đối đầu, chống chọi là mà đôi khi phải chung sống, thỏa hiệp. Theo ông Hùng, không bao giờ triệt tiêu được hoàn toàn các điều kiện bất lợi, hoặc nếu triệt tiêu sẽ rất tốn kém, không khả thi.
Điều quan trọng là người nông dân chính là người quan lý quan trọng đối với môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, cần khuyến khích, vận động họ, cùng họ ứng dụng, thực hành canh tác nông nghiệp sinh thái vì một tương lai bền vững.
“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”