Canh tác chống hạn ở vùng ven biển miền Trung

Việt Anh| 22/12/2020 11:13

(TN&MT) - Với mong muốn giúp nông dân ứng phó với tình trạng hạn hán ngày càng khắc nghiệt, ThS. Nguyễn Quốc Việt (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn hán do biến đổi khí hậu ở vùng ven biển miền Trung” (Mã số BĐKH.03/16-20).

Các giải pháp được đề xuất có thể phòng ngừa suy thoái đất trồng, ổn định và tăng năng suất cây trồng, từ đó, giúp tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển miền Trung.

Qua 3 năm triển khai (2016 - 2019) tại 3 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam, các nghiên cứu cho thấy, hạn hán 3 xuất hiện với mức độ nhẹ. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh cần lưu ý thời điểm tháng 5 và 6 xuất hiện hạn nghiêm trọng. Tỉnh Quảng Trị xuất hiện hạn nghiêm trong các tháng mùa khô từ tháng 2 đến tháng 8, nặng nhất là tháng 3, 4 và tháng 7, 8. Tại Quảng Nam, hạn nghiêm trọng xuất hiện các tháng mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8, nghiêm trọng nhất là các tháng 6, 7, 8.

Hạn hán đang gia tăng trong những năm gần đây

Kết quả mô phỏng ảnh hưởng hạn hán đến năng suất cây trồng (lúa và ngô) theo kịch bản biến đổi khí hậu RCP 4.5 và RCP 8.5, với sự gia tăng lượng mưa và nhiệt độ, đến giữa thế kỷ, năng suất cây trồng sẽ tăng ở mức 0,32 - 4,3% đối với cây lúa và 2,1 - 3,2% với cây ngô.

Tài nguyên đất vùng nghiên cứu phân loại 10 nhóm đất và 37 loại đất dưới nhóm. Trên cơ sở điều kiện khô hạn, thực trạng canh tác và định hướng phát triển, đề tài đã đề xuất lựa chọn 9 loại hình sử dụng đất cho vùng nghiên cứu. Cụ thể, đất chuyên trồng lúa nước 90.255,44 ha; đất lúa - màu 17.270,39 ha; chuyên màu và cây công nghiệp ngắn ngày 59.217,89 ha; cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm 70.033,62 ha; nông lâm kết hợp 10.128,79 ha; thủy sản mặn, lợ 6.547,96 ha; đất rừng ngặp mặn, ven biển và lâm nghiệp khác 294.070,43 ha.

Kết quả Đề tài cũng lựa chọn được 1 giống lúa mới phù hợp cho vụ Xuân là giống LY2099 và 2 giống lúa phù hợp cho vụ Hè Thu là HN6 và TBR225. Một giống ngô cho hiệu quả cao là giống ngô nếp lai HN68. Một giống lạc chịu hạn tốt là giống L27 và một giống đỗ xanh năng suất cao, ngắn ngày phù hợp cho vụ Thu là giống ĐX208.

Nghiên cứu khuyến khích sử dụng một số loại phân bón hữu cơ tại chỗ chất lượng cao từ than sinh học nhằm cung cấp dinh dưỡng cho đất kết hợp giữ ẩm cho đất trong quá trình canh tác. Tỷ lệ phối trộn 10% than sinh học với phân chuồng là hợp lý nhất giúp tăng khả năng phân giải chất hữu cơ và phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương. Trong các loại phân hữu cơ khoáng – than sinh học, tỉ lệ phối trộn NPK 5:10:3 và 20% than sinh học phù hợp nhất cho cây lúa và tỉ lệ NPK 8:4:8 với 20% than sinh học phù hợp nhất cho cây rau ăn lá.

Để ứng dụng, nhân rộng kết quả của Đề tài, tác giả đề nghị cần có chính sách hỗ trợ ứng dụng các kỹ thuật ứng dụng giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến và sử dụng hiệu quả than sinh học, phân bón. Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi và đánh giá hiệu quả cũng như khả năng phù hợp với thị trường tiêu thụ sản phẩm của 3 mô hình đã xây dựng để có những đề xuất thay đổi, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Canh tác chống hạn ở vùng ven biển miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO