Xã hội

Đắk Nông: Xây dựng các giải pháp chống biến đổi khí hậu giúp người dân thoát nghèo

Phạm Hoài 21/05/2024 14:02

Trong những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động tiêu cực đến quá trình canh tác nông nghiệp của người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân các phương án khắc phục để sản xuất nông nghiệp được hiệu quả hơn. Để hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có buổi trao đổi với ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

1.jpg
Ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Phóng viên: Thưa ông! BĐKH tác động như thế nào đến quá trình hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trong thời gian qua?

Ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Sự thay đổi về phân bố lượng mưa ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng trong vòng 10 năm trở lại đây là rất rõ rệt. Tần suất xuất hiện mưa vào các tháng 12, tháng 1 khá phổ biến. Điều này đã làm cho các loại cây trồng như điều, cà phê gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn, tỷ lệ đậu quả thấp, làm giảm năng suất. Nhiều loại cây trồng khác cũng ảnh hưởng, mất mùa. Những biến động của yếu tố thời tiết cũng khiến năng suất, sản lượng của cây trồng, vật nuôi bị giảm. Đồng thời, sức đề kháng của vật nuôi kém, các tác nhân gây bệnh phát sinh, gây ra nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, BĐKH tác động rất lớn đến canh tác nông nghiệp của người dân. Hiện tượng El Nino gây hạn hán kéo dài làm lượng mưa, mực nước trên các sông, suối, nước ngầm suy giảm dẫn đến thiếu nước tưới cho cây trồng, làm giảm năng suất, thu nhập của nông dân. Đối phó với tình trạng này, Đắk Nông đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả. Điển hình như cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 tình hình BĐKH diễn ra khá rõ nét với cường độ nắng nóng kéo dài dẫn đến hệ thống nước ở hầu hết các sông suối, ao hồ bị cạn kiệt và giảm sâu. Chính điều này đã tác động rất lớn đến quá trình canh tác nông nghiệp của bà con nông dân.

Phóng viên: Hiện tại, đã có những giải pháp nào để ứng phó BĐKH mà tỉnh đã triển khai và áp dụng hiệu quả? Thưa ông !

Ông Lê Trọng Yên: Để ứng phó với BĐKH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai hỗ trợ người dân nhiều mô hình sản xuất đa cây, nông lâm kết hợp được người dân Đắk Nông áp dụng mang lại hiệu quả. Trong đó, các mô hình nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp phục hồi, hồ tiêu, cà phê cảnh quan tại một số nhà vườn ở Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, TP. Gia Nghĩa… áp dụng thành công.

Cùng với đó, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng nhiều mô hình tích cực để nhằm phòng bị, cải thiện những hậu quả có hại của BĐKH. Ngoài các biện pháp siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đẩy mạnh trồng rừng, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi… được tỉnh chú trọng. Trong đó, nông dân đã áp dụng các biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm; áp dụng mô hình trồng xen canh, trồng cây che bóng… mang lại kết quả tích cực.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp là lĩnh vực có tỷ trọng lớn đối với kinh tế của địa phương. Đắk Nông đã xây dựng kịch bản ứng phó với BĐKH. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện phương án, kế hoạch phân vùng cho các loại cây trồng chủ lực để thích ứng với BĐKH.

2-a.jpg
Mô hình trồng đa cây, đa canh đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ở vùng nông thôn tại Đắk Nông

Phóng viên: Để nâng cao hiệu quả các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, giúp cho người dân giảm chi phí và yên tâm sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã có những kế hoạch, định hướng cụ thể ra sao? Thưa ông !

Ông Lê Trọng Yên: Không phải bây giờ, mà từ nhiều năm nay, chúng ta đã có những hành động để ứng phó với sự biến đổi của khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Từ những hiện tượng thời tiết mang tính cực đoan, đến sự dịch chuyển vùng khí hậu đặc thù, sụt giảm nguồn nước tưới cục bộ, Đắk Nông đã có sự chuyển dịch cơ cấu một số cây trồng để ứng phó với sự thay đổi đó. Trong sản xuất một số cây ngắn ngày như rau, hoa, quả, nhiều nhà vườn đã đầu tư nhà lồng, ứng dụng khoa học vào sản xuất để làm chủ được môi trường canh tác, bớt lệ thuộc vào sự tác động bất lợi của thiên nhiên.

Đắk Nông đang hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, chuỗi giá trị gắn với BĐKH. Toàn tỉnh đang hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với thị trường trong nước, xuất khẩu, thích ứng với thời tiết, khí hậu...Về cơ cấu cây trồng, tỉnh cũng đã chuyển dịch một số cây trồng có nhu cầu nguồn nước tưới cao sang những cây trồng cần ít nguồn nước hơn đối với những vùng khô hạn. Cùng với đó, Đắk Nông cũng đang khuyến khịch nông dân áp dụng các biện pháp canh tác tiết kiệm nguồn nước…

Theo kế hoạch đến năm 2030, Đắk Nông có khoảng 184.000ha cây trồng cần nước tưới. Tỉnh sẽ nâng cấp, xây mới 102 công trình thủy lợi các loại để phục vụ tưới, chống BĐKH. Tỉnh tiến hành nhiều biện pháp để chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, tái tạo nguồn nước phục vụ phát triển sản xuất bền vững hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Xây dựng các giải pháp chống biến đổi khí hậu giúp người dân thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO