Cần xây dựng báo cáo tình hình nguồn nước trên từng lưu vực

Tuyết Chinh| 04/12/2019 19:04

(TN&MT) - Chiều 4/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp và nghe báo cáo về hiện trạng tài nguyên nước trên toàn quốc; dự báo trong thời gian 6 tháng tới và kế hoạch tổng thể lập nhiệm vụ các quy hoạch tài nguyên nước.

7/11 lưu vực thiếu hụt nước 

Báo cáo hiện trạng nguồn nước hồ chứa trên các lưu vực sông, ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, hiện nay, cơ bản 11/11 lưu vực sông đang ở đầu thời kỳ đầu mùa cạn hoặc chuẩn bị bước vào thời kỳ mùa cạn (lưu vực sông Hồng từ ngày 16/9/2019).

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp chiều 4/12

Mặc dù mới bước vào thời kỳ đầu mùa cạn nhưng có 7/11 lưu vực sông gồm:  Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Ba có nguồn nước các hồ chứa đang thấp hơn so với yêu cầu tối thiểu phải đạt được vào mùa cạn.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, 4 lưu vực còn lại (Sê San, SrePok, Kôn, Đồng Nai) về tổng thể thì không thiếu nước, song lại không có hồ chứa nào đạt mực nước dâng bình thường (MNDBT); một số hồ chứa có mực nước rất thấp như Ka Nak tích được chỉ 8% , Sê San 4 (45%), Đại Ninh (40%).

Ông Vĩnh đánh giá, tổng thể trên cả 11 lưu vực sông, dung tích các hồ tích được (tính trên toàn lưu vực) chỉ vào khoảng từ 40-65% so với thiết kế. Riêng 4 lưu vực Sê San, SrePok, Kôn, Đồng Nai, tỷ lệ các hồ ở tích được 82-96% so với thiết kế của từng hồ.

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục tài nguyên nước báo cáo hiện trạng nguồn nước trên các lưu vực

Đối với các hồ chứa thủy lợi, trên cơ sở tổng hợp thông tin, số liệu của khoảng 300 hồ chứa thủy lợi trên cả nước, Cục Quản lý tài nguyên nước nhận định, tỷ lệ các hồ chứa đã tích đầy nước và đạt MNDBT chiếm khoảng 20-30% tùy từng khu vực, khoảng 50-60% các hồ còn lại tích được khoảng trên 75% dung tích thiết kế.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, ở các vùng vẫn còn nhiều hồ vừa và lớn tích được lượng nước không đáng kể, tỷ lệ tích từ 6-51% tùy từng vùng, thậm chí có hồ chỉ tích được 6-9% dung tích thiết kế.

“Các hồ thiếu hụt nhiều so với dung tích thiết kế tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Vĩnh chỉ rõ.

Trọng điểm thiếu nước từ tháng 12/2019-3/2020

Tại cuộc họp, nhận định xu thế KTTV từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho hay, lượng mưa cũng như lượng dòng chảy ở các lưu vực như sông Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia, Kôn đều thấp hơn trung bình nước dâng (TBND) từ 20-60% tùy từng vùng. Các sông ở Quảng Ngãi, Tây Nguyên ở mức xấp xỉ TBNN.

Ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định xu thế KTTV 6 tháng tới

Trên cơ sở đó, cùng với diễn biến dòng chảy đến, nhu cầu sử dụng nước ở hạ du các lưu vực sông, quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; ông Châu Trần Vĩnh đặt giả thiết, với diễn biến dòng chảy và nhu cầu sử dụng nước tính ở mức tối thiểu theo các quy trình thì tổng lượng nước các hồ vẫn thiếu hụt so với yêu cầu khoảng 1,6 tỷ m3.

Theo ông Vĩnh, cơ bản vào đầu mùa cạn, áp lực sử dụng nước ở các lưu vực sông là không lớn, nếu các hồ chứa, đặc biệt là các hồ thủy điện. Nếu việc huy động điện phù hợp, tương đồng với nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du và phía hạ du không xảy ra tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn kéo dài thì khả năng thiếu nước đến tháng 6 sẽ được hạn chế.

Còn với các hồ chứa thủy lợi, nếu sử dụng và điều tiết nguồn nước các hồ chứa này hợp lý, tiết kiệm, cộng với việc không xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài trong vụ hè thu năm 2020, không xảy ra tình trạng xâm nhập mặn gay gắt và bố trí diện tích tưới hợp lý thì có thể đủ nước cấp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ Đông xuân cũng như tránh được thiệt hại do thiếu nước của vụ Hè thu.

Tuy nhiên, cần lưu ý 3 tháng thiếu hụt lớn nhất sẽ rơi vào các tháng 12/2019 và tháng 1,2/2020 vào khoảng 34% so với trung bình nhiều năm. Mùa cạn 2019-2020 thiếu nước không nặng nề như 2015-2016, nhưng sẽ hạn hơn 2010-2011.

Báo cáo kịp thời hơn tình hình tài nguyên nước

Để phòng tránh những tác động của hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trong mùa cạn năm 2020, ông Châu Trần Vĩnh kiến nghị Bộ TN&MT có văn bản đôn đốc các địa phương căn cứ trên tình hình nguồn nước và dự báo để xây dựng kế hoạch lấy nước cho cả mùa cạn; có thể cắt giảm một số diện tích canh tác có nguy cơ thiếu nước, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp,…

Đồng thời, đôn đốc các địa phương chỉ đạo các Sở, ban ngành, các đơn vị quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước phía hạ du rà soát, đánh giá công tác phòng chống hạn, rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc cấp nước trong các năm qua, đặc biệt là năm 2019.

“Đối với các hồ chứa nước lớn, có vai trò quan trọng cần có cơ chế đặc thù trong việc huy động điện, trên nguyên tắc ưu tiên cân đối nguồn nước cấp cho hạ du trong cả mùa cạn”, ông Vĩnh đề xuất.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, hỗ trợ địa phương trong việc tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt tại chỗ đối với các vùng không phạm vi điều tiết, cấp nước của các hồ chứa và chịu thiệt hại do hạn hán những năm qua. Trong trường hợp cần thiết có thể dẫn đi xa để kịp thời cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Quang cảnh cuộc họp

Với những nhận định và kiến nghị như trên, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo có báo cáo chung và các báo cáo trên từng lưu vực hoặc nhóm lưu vực để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, với mỗi lưu vực phải đưa ra được giải pháp, đề xuất cụ thể trên cơ sở đặc điểm, hiện trạng, hình thái riêng.

“Có thể xem xét làm 3 báo cáo cụ thể theo vấn đề ở lưu vực sông Hồng, các lưu vực ở Bắc Trung Bộ (gồm Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn) và Nam Bộ”, Thứ trưởng gợi ý.

Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia và Đài KTTV Nam Bộ, từ ngày 15/12 phải bắt đầu đo mặn và có bản tin cảnh báo, dự báo mặn cụ thể, chi tiết ở các cửa sông, đến từng tỉnh ở ĐBSCL. Đồng thời, xem xét, đánh giá về những thiệt hại có thể xảy ra đối với mùa vụ ở ĐBSCL nếu xâm nhập mặn vào sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xây dựng báo cáo tình hình nguồn nước trên từng lưu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO