Để tìm hiểu vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Mai Trọng Thái - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở TN&MT TP. Hà Nội).
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở TN&MT TP. Hà Nội). |
PV: Ô nhiễm môi trường làng nghề được xem là một trong những nguồn ô nhiễm chính trên địa bàn TP. Hà Nội. Kết quả thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm trong thời gian qua ra sao, thưa ông?
Ông Mai Trọng Thái:
Để triển khai Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề, năm 2018, 2019, Thành phố đã giao Sở TN&MT hướng dẫn các quận, huyện có làng nghề rà soát, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề để từ đó, xây dựng Kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương.
Từ kết quả khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 127 làng nghề cho thấy, tình trạng ô nhiễm tập trung vào môi trường nước, ở 33 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 19 làng nghề ô nhiễm. UBND Thành phố đã tích cực triển khai một số dự án đầu tư xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn như Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà với công suất 20.000 m3/ngày đêm đã đi vào vận hành từ tháng 10/2016. Đang thi công xây dựng 2 Nhà máy xử lý nước thải tại huyện Hoài Đức và Hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, Thanh Oai (thuộc Dự án khắc phục ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố).
Thành phố đã kêu gọi đầu tư các dự án xử lý môi trường làng nghề, điển hình là 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến là 569 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, thành phố đã thành lập mới 16 cụm công nghiệp làng nghề. Song song với đó là đẩy mạnh công tác vận động, di dời các hộ sản xuất, cơ sở gây ô nhiễm vào hoạt động trong các CCN làng nghề. Trong đó, ưu tiên di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm giấy tái chế, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc... góp phần đáng kể cho việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Thành phố hiện đang kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp phát triển làng nghề trên địa bàn các huyện với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng gần 9 nghìn tỷ đồng.
PV: Thưa ông, dù TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhưng dường như kết quả chưa đạt được như kỳ vọng, bởi tình trạng ô nhiễm hiện nay vẫn rất nghiêm trọng. Ông có thể lý giải nguyên nhân tại sao?
Ông Mai Trọng Thái:
Thực tế hiện nay, đa số các làng nghề với đặc trưng là sản xuất quy mô nhỏ lẻ với công nghệ lạc hậu và thiết bị đơn giản, thủ công nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp. Mặt bằng sản xuất hạn chế, chủ cơ sở sản xuất rất ít quan tâm đầu tư xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường như xử lý, giảm thiểu chất thải (lỏng, rắn và khí). Một vấn đề nữa là ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình và cộng đồng của người lao động còn rất hạn chế.
Do khó khăn về tài chính, hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải. Do đó, khó khăn trong việc phân loại chất thải sản xuất và rác thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp lẫn nước thải sinh hoạt. Rất ít làng nghề dẫn được nước thải đến CCN làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, phần lớn là thải trực tiếp ra môi trường với mức độ ô nhiễm cao.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho hoạt động môi trường còn thiếu, chưa hấp dẫn đầu tư nhất là trong lĩnh vực xử lý nước thải, khí thải hay sản xuất sạch ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Tại các khu, cụm điểm công nghiệp, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường trong còn chậm. Chưa có chính sách hỗ, khuyến khích di dời các cơ sở đến nơi sản xuất tập trung, gây khó khăn trong xử lý đồng bộ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề…
Cần thu phí xử lý nước thải của người dân sản xuất tại làng nghề. Ảnh: MH |
PV: Theo ông, trong thời gian tới, thành phố cần có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề, thưa ông?
Ông Mai Trọng Thái:
Cần thiết phải xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho người dân trong việc thu gom và xử lý nước thải làng nghề. Việc thu gom nước thải về xử lý tập trung rất tốn kém, trong khi người dân chưa có tiền lệ trả tiền cho dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Do đó, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách cụ để đối tượng người dân làng nghề phải trả tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các Nhà đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các làng nghề; hoặc Thành phố hỗ trợ ngân sách đầu tư hệ thống xử lý nước, thu phí xử lý nước thải của người dân sản xuất tại làng nghề để duy trì vận hành hệ thống xử lý nước thải.
Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế, chưa phù hợp với loại hình làng nghề, chưa thu hút được nhà đầu tư tham gia các dự án xử lý nước thải làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!