PV: Ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Vậy, TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện Nghị quyết này ra sao, thưa ông?
Ông Đào Anh Dũng: Ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP, TP.Cần Thơ đã chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện thực hiện triển khai sâu rộng trên toàn địa bàn Thành phố. Sở TN&MT cùng các Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND TP.Cần Thơ ban hành Kế hoạch hành động số 84/KH-UBND ngày 09/5/2018, trong đó xác định rõ mục tiêu, phương hướng, gắn với phân công nhiệm vụ cho các bên có liên quan cùng phối hợp thực hiện trên quan điểm “thuận thiên”, phù hợp với quy luật tự nhiên, tôn trọng tự nhiên.
Các nhiệm vụ chính được triển khai như: Thứ nhất, thực hiện các giải pháp nhằm từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế đồng bộ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm phát huy những lợi thế so sánh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ hai, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy hoạch hiện có, xây dựng các quy hoạch mới liên quan, trong đó có cả quy hoạch phát trển kinh tế - xã hội, xây dựng, đô thị, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, ổn định dân cư… trên cơ sở tích hợp các yếu tố BĐKH.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương và các Bộ, ban ngành Trung ương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH, phòng tránh thiên tai, sạt lở; Chương trình tăng trưởng xanh, Kế hoạch Thỏa thuận Paris về BĐKH và các chương trình, kế hoạch, dự án liên quan đến BĐKH đã ban hành.
Thứ tư, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình dự án nông nghiệp; đầu tư các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; phát triển dịch vụ giống cây, con trong nông nghiệp và gắn liền với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP. Cần Thơ.
Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH, phòng tránh thiên tai, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu về ứng phó với BĐKH. Thứ sáu, quan tâm đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng và hiệu quả nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới.
Trên cơ sở đó, từng nhiệm vụ cụ thể được phân công cho các sở, ngành, quận, huyện ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể hoặc đưa vào Kế hoạch, Chương trình công tác và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt tạo chuyển biến mạnh mẽ nhằm phát triển bền vững TP. Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung thích ứng với BĐKH.
PV: Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, TP. Cần Thơ có những thuận lợi, khó khăn nào, thưa ông?
Ông Đào Anh Dũng: Ứng phó với những thách thức đa chiều, phức tạp của BĐKH và giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường là hai vấn đề ngày càng được lãnh đạo TP. Cần Thơ đặc biệt quan tâm và trở thành ưu tiên quan trọng trong việc chọn lựa các giải pháp phù hợp cho chiến lược phát triển của Thành phố, nhằm khai thác thế mạnh, hạn chế những mặt yếu kém, tận dụng tốt cơ hội, vượt qua những thách thức trên con đường phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Theo đó, TP.Cần Thơ đã ban hành nhiều chính sách trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó BĐKH để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Những tác động của BĐKH luôn được các ngành, các cấp quan tâm, tích hợp trong quá trình xây dựng chính sách ở địa phương.
Ngoài việc chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, TP.Cần Thơ còn hướng đến vận động chính sách ở cấp quốc gia, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế trong thực hiện các dự án về BĐKH. Đây là những điều kiện thuận lợi để Thành phố tiếp nối khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ.
Có thể thấy rằng, trong những năm qua, TP.Cần Thơ đã triển khai và thực hiện khá thành công một số nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH để hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đạt được vẫn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của Thành phố. Vì nguồn lực đầu tư cho BĐKH còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, các chính sách về ứng phó với BĐKH cơ bản đã phù hợp và đầy đủ, nhưng quá trình thực hiện còn lúng túng, bị động do BĐKH tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Công tác chủ động ứng phó với BĐKH trong cộng đồng chưa cao.
Ngoài ra, chưa huy động được nhiều sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng và tổ chức trong và ngoài nước cho công tác ứng phó BĐKH, trong khi hành động để phòng, ứng phó BĐKH vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phức tạp và liên quan đến tất cả các ngành, các cấp do đó việc thực hiện hiệu quả chưa cao.
PV: Vậy, để thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển bền vững thích ứng với BĐKH, TP. Cần Thơ có đề xuất nào, thưa ông?
Ông Đào Anh Dũng: Trong bối cảnh BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp, việc tổ chức thực hiện các chương trình, đề án và các cơ chế chính sách đặc thù là yêu cầu mang tính bức thiết nhằm xây dựng TP. Cần Thơ thích ứng một cách mạnh mẽ và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Thành phố đề xuất thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm như: đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối liên tỉnh, liên vùng mang tính đồng bộ để tạo đột phá phát triển cho TP. Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Trong đó, quan tâm đến hạ tầng giao thông để phát huy lợi thế của Thành phố; đầu tư hệ thống công trình thủy lợi chống sạt lở bờ sông; hỗ trợ thực hiện đề án đổi mới hệ thống canh tác nông nghiệp, nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH; đào tào nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, rủi ro thiên tai, phù hợp với từng đối tượng.
Ngoài các chương trình, đề án nêu trên, cũng cần đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện chính sách liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng mang tính liên vùng, tập trung vào cơ chế huy động nguồn vốn, trong đó có vốn ODA, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực.
Để phát huy tối đa những thuận lợi và khắc phục những khó khăn, TP. Cần Thơ cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, hoàn thiện đồng bộ với chủ trương tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, chú trọng đầu tư các công trình tạo đột phá cho phát triển của Thành phố; tăng cường tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mang tính chất cấp vùng để ứng phó BĐKH; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp, có thể tích hợp, chia sẻ các nguồn thông tin đảm bảo tin cậy nhằm nâng cao năng lực ứng phó.
Với vị trí là trung tâm của vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ luôn chủ động và sẳn sàng hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành; các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế để có hướng đi, kế hoạch hành động thống nhất và đồng bộ, đảm bảo công tác ứng phó với các tác động của BĐKH đạt được hiệu quả cao nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!