(TN&MT)- Đây là kết quả được ghi nhận từ hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ tổ chức vào ngày 25/7/2014.
Chủ động triển khai Luật Đất đai năm 2013…
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ đã chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ Bộ Tài guyên và Môi trường giao. Nổi bật là việc tổ chức tập huấn Luật đất đai năm 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và đã dự thảo 5 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền UBND thành phố ban hành đồng thời đã rà soát 36 thủ tục lĩnh vực đất đai; hướng dẫn các quận, huyện lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, lập danh mục dự án cần thu hồi đất trong năm 2015 và xây dựng giá đất năm 2015; chỉ đạo giải quyết dứt điểm các trường hợp tranh chấp đất đai từ năm 2013 về trước và tham mưu UBND thành phố cấp GCNQSDĐ lần đầu đạt tỷ lệ 98,64%.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ UBND thành phố giao, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Sử, khẳng định: Đến thời điểm này Sở đã thực hiện đạt khoảng 70% kế hoạch. Trong đó, các dự án quy hoạch tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đạt từ 60 - 70%; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường thực hiện; giải quyết tranh chấp đạt mục tiêu đề ra là không để vụ việc kéo dài; công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên… Ngoài ra, đã hoàn thành nhiều vụ việc do UBND thành phố giao, nhất là giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư và giải phóng mặt bằng các dự án.
Tuy nhiên, ông Sử cũng cho rằng cần phải nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quy hoạch khoáng sản, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án.
Đưa Luật Đất đai 2013 vào thực tiễn
Những giải pháp, trọng tâm công tác 5 tháng cuối năm của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ, Giám đốc Nguyễn Văn Sử, xác định: Phải tiếp tục chủ động rà soát các chủ trương, chính sách liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường để tham mưu, kiến nghị bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, cũng như hỗ trợ cho địa phương kinh phí để sớm hoàn thành dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai TP.Cần Thơ đến năm 2020. Phối hợp với các ngành, quận, huyện tuyên truyền để nhân dân ngày càng hiểu và chấp hành tốt pháp luật tài nguyên - môi trường, hoàn thành chỉ tiêu cấp GCNQSDĐ lần đầu theo Chỉ thị 1474/CT-TTg. Tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực đất đai tham mưu UBND thành phố các giải pháp quản lý và khai thác đất đai hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tạo nguồn thu cho ngân sách. Phấn đấu sớm hoàn tất các thủ tục đấu giá đất để hoàn thành kế hoạch khai thác quỹ đất 2014. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đã triển khai cũng như rà soát các chỉ tiêu, kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, cùng với nhiều công việc ở các lĩnh vực môi trường, khoáng sản, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Đào Anh Dũng, cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát huy tinh thần chủ động các bước triển khai thực hiện Luật đất đai năm 2013. Làm tốt nhiệm vụ tham mưu UBND cùng cấp ban hành các văn bản điều chỉnh trong công tác quản lý đất đai đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy đáp ứng tình hình quản lý đất đai trong thời kỳ mới, gắn với yêu cầu thực hiện tốt chủ đề năm 2014 của thành phố “Cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực, hướng về cơ sở”. “Tôi đề nghị từng cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành tài nguyên và môi trường của thành phố phải đọc tới đọc lui, nghiên cứu thật kỹ Luật Đất đai năm 2013 để vận dụng vào thực tiễn công tác thật đúng và đầy đủ theo các qui định của Luật Đất đai năm 2013” – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Đào Anh Dũng, nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý mặc dù đã đạt 70% chỉ tiêu công tác nhưng từng cán bộ, công chức ngành tài nguyên và môi trường thành phố phải tập trung phấn đấu nỗ lực thì mới có thể hoàn thành tốt 30% chỉ tiêu công tác còn lại của năm 2014. Nhất là việc cấp GCNQSDĐ lần đầu, giải phóng mặt bằng giao đất cho các dự án cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương thì mới có thể giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, đạt kết quả đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Việc sắp xếp tổ chức phải tiếp tục được chú trọng tại các bộ phận trực thuộc, phát huy được năng lực, vai trò của cán bộ và phải tăng cường đi cơ sở để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc giúp địa phương tháo gỡ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bài & ảnh:L.Hùng – H.Minh