Để làm rõ vấn đề này, Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn PGS, TS. Lê Thu Hoa, giảng viên Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
PGS, TS. Lê Thu Hoa, giảng viên Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. |
PV: Xin bà cho biết cụ thể về đối tượng phải đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải được quy định trong Luật BVMT năm 2020?
PGS, TS. Lê Thu Hoa:
Luật BVMT năm 2020 có 2 quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, gồm: trách nhiệm tái chế chất thải và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải. Theo đó, có 2 quy định về đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam tương ứng, là đóng góp để hỗ trợ tái chế và đóng góp để hỗ trợ xử lý chất thải.
2 cơ chế đóng góp tài chính này áp dụng cho các nhóm sản phẩm, bao bì khác nhau và cơ chế quản lý, vận hành cũng khác nhau. Tuy nhiên, hiện đang có nhầm lẫn giữa 2 quy định này.
Về trách nhiệm tái chế, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế gồm: thiết bị điện - điện tử; pin - ắc quy; săm lốp; dầu nhớt, phương tiện giao thông và bao bì được lựa chọn tự tổ chức tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Việc đóng tiền vào Quỹ BVMT là hoàn toàn tự nguyện, và chỉ là một trong các phương án mà doanh nghiệp được quyền chọn để thực hiện trách nhiệm tái chế của mình.
Về trách nhiệm xử lý chất thải, Dự thảo Nghị định quy định nhà sản xuất, nhập khẩu 5 nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý sau khi trở thành chất thải như: bao bì hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; kẹo cao su; tã, bỉm sử dụng một lần; thuốc lá; sản phẩm, đồ nhựa dùng một lần… có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải. Đây là đóng góp bắt buộc. Tuy nhiên, các nhà sản xuất, nhập khẩu 5 mặt hàng trên nhưng có tổng doanh thu của năm trước dưới 30 tỷ đồng hoặc tổng giá trị nhập khẩu của năm trước dưới 20 tỷ đồng không thuộc đối tượng phải nộp khoản đóng góp này.
Các hoạt động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phục vụ hoạt động xử lý chất thải bao gồm: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật (Khoản 3, 4, Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020).
PV: Vậy, đây có phải là một loại thuế/phí BVMT mới mà doanh nghiệp phải gánh không? Việc hình thành một “quỹ” như vậy được quy định trong Luật BVMT 2020 liệu có phải là lần đầu không, thưa bà?
PGS, TS. Lê Thu Hoa:
Cần khẳng định khoản đóng góp này phù hợp với nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Luật BVMT 2020 quy định đóng góp vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động tái chế hoặc xử lý chất thải, không quy định là thuế hay phí môi trường.
Những nhà sản xuất, nhập khẩu không tự tổ chức tái chế hoặc không ủy quyền cho bên thứ ba tái chế mới chọn cách đóng góp này. Đây thực chất là tiền của nhà sản xuất, nhập khẩu ủy thác qua Quỹ BVMT để tổ chức tái chế thay cho trách nhiệm của mình. Khoản đóng góp này không bắt buộc lựa chọn nộp tiền và không nộp vào ngân sách nên không thể gọi là thuế hay phí môi trường.
Kinh nghiệm quốc tế cũng như các quy định pháp luật hiện hành trong nước đều không quy định khoản đóng góp này là nguồn thu ngân sách; cơ quan Nhà nước chỉ có vai trò giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng để đảm bảo hiệu quả, minh bạch và đúng mục đích.
Theo nghiên cứu của tôi, Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật về quỹ ngoài ngân sách để hỗ trợ các mục tiêu phát triển và hoạt động quản lý khác nhau, tương tự như quy định đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải trong Luật BVMT 2020 như: Quy định về đóng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; Quỹ Phòng chống thiên tai; Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá…
PV: Một trong những băn khoăn của doanh nghiệp hiện nay chính là tính minh bạch và đúng mục đích trong quá trình sử dụng số tiền mà họ đóng góp vào Quỹ BVTM. Xin bà cho biết rõ hơn về những quy định liên quan đến quản lý, sử dụng số tiền này?
PGS, TS. Lê Thu Hoa:
Công khai, minh bạch và đúng mục đích là yếu tố quyết định thành công của quy định này, do vậy đây là vấn đề được cơ quan soạn thảo Luật, Nghị định đặc biệt quan tâm.
Đối với khoản đóng góp tự nguyện theo Điều 54 Luật BVMT 2020, Quỹ BVMT Việt Nam chỉ thực hiện vai trò như một ngân hàng, việc sử dụng kinh phí đóng góp để hỗ trợ tái chế được thực hiện bởi Văn phòng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu Việt Nam (Văn phòng EPR Việt Nam) dưới sự giám sát của Hội đồng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu quốc gia (Hội đồng EPR quốc gia), Bộ TN&MT và chính các nhà sản xuất, nhập khẩu đã đóng góp tiền hỗ trợ tái chế. Trong trường hợp này, Văn phòng EPR Việt Nam và Quỹ BVMT Việt Nam có trách nhiệm công khai, thông báo cho nhà sản xuất, nhập khẩu kết quả tái chế theo số tiền mà họ đã đóng góp.
Đối với khoản đóng góp tài chính bắt buộc để hỗ trợ xử lý chất thải, việc quản lý, sử dụng kinh phí này tương tự như trên, đặc biệt, việc quyết định chi và giám sát chi đối với khoản đóng góp này sẽ do Hội đồng EPR Quốc gia (trong đó có đa số đại diện của các nhà sản xuất, nhập khẩu) quyết định. Văn phòng EPR Việt Nam và Quỹ BVMT Việt Nam chỉ là đơn vị thực thi theo quyết định của Hội đồng EPR quốc gia.
Cần phải nói thêm rằng, Dự thảo Nghị định đã quy định việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp nêu trên có sự tham gia giám sát, kiểm tra của nhiều tổ chức độc lập khác nhau để bảo đảm minh bạch, bao gồm: Quỹ BVMT Việt Nam, Văn phòng EPR Việt Nam, Hội đồng EPR quốc gia, Bộ TN&MT. Ngoài ra, Văn phòng EPR Việt Nam hay Quỹ BVMT Việt Nam cũng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…
Từ những quy định trên cho thấy, việc cho rằng Quỹ BVMT, Văn phòng EPR hay các cơ quan Nhà nước toàn quyền quyết định chi tiêu tiền do doanh nghiệp, nhà sản xuất đóng góp là không chính xác.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Khoản 4, Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: “Việc đóng góp, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: Mức đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì; Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì theo quy định,...”