Tổn thất của người dân
Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm 2021 đến 22/04/2022, tại huyện Kon Plông, Kon Tum xảy ra 169 trận động đất. Riêng từ ngày 15 đến 18/4 ghi nhận 22 trận động đất mạnh 2,5 - 4,5 độ Richter. Mới đây nhất, từ ngày 22/4 đến nay, đã có 6 trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong đó, vào lúc 10 giờ 5 phút 8 giây (giờ Hà Nội) ngày 24/6, một trận động đất có độ lớn 3,2 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.892 độ vĩ Bắc, 108.289 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Đối với các trận động đất trong những ngày gần đây, các nhà khoa học của Viện Vật lý Địa cầu bước đầu nhận định, động đất ở Kon PLông là động đất kích thích, xảy ra do hồ thủy điện tích nước. Tuy vậy, các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết và chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực.
Do vậy, cần có thêm nghiên cứu chi tiết để xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
Trong khi đó, qua tổng hợp báo cáo của UBND các địa phương, các trận động đất vào tháng 4 không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng đã làm người dân lo lắng, bất an. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, Viện Khoa học và Địa chất và Khoáng sản có quyết định thành lập đoàn khảo sát sơ bộ tìm hiểu hiện trạng và nắm bắt tình hình trên địa bàn xảy tra động đất. Viện đã thiết kế các hành trình kiểm tra tập trung vào các đối tượng nguyên nhân nền móng địa chất cũng như tác động của nó đến các khu vực dân cư xung quanh.
Về vấn đề an toàn của động đất đối với dân cư, theo khảo sát của đoàn khi tiếp xúc với chính quyền địa phương và người dân, họ đều thể hiện mức độ lo lắng nhất định, đặc biết sau trận động đất có cường độ 4,5 độ richter tháng 4.
Về tổn thất vật chất, đoàn khảo sát đã ghi nhận 2 điểm khả nghi. Cụ thể, xuất hiện vết nứt ngang trên tường của Trường phổ thông Dân tộc Bán trú - tiểu học ĐakRing - nơi ghi nhận các rung chấn của các trận động đất. Sau động đất, trường có xuất hiện các vết nứt ngang ở các cột ở cả 3 dãy nhà của trường, các vết nứt đều phân bố ở độ cao khoang 2.5 - 3m. Hiện trạng còn mới và chưa bị bong tróc vữa. Bên cạnh đó cũng có các vết nứt cũ hơn ở cao hơn tại các điểm tiếp giáp với xà, kèo nhà.
Ngoài ra, xuất hiện vết nứt nền đất trong khu dân cư. Theo đoàn khảo sát, mặc dù vết nứt đã xuất hiện từ trước và đã cũ, nhưng khi các trận động đất mạnh xảy ra, cần quan tâm khảo sát và quan trắc kỹ.
Đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo
Việt Nam tương đối may mắn khi không nằm trên trên vành đai lửa Châu Á - Thái Bình Dương như các Quốc gia: Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, Indonesia … cho nên thường không xảy ra những trận động đất lớn mang tính va chạm mảng kiến tạo. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan bởi vì Trái đất luôn luôn dịch chuyển vận động, thường xuyên có những trận động đất đất nhỏ có thể là tương tác không thể nhận biết được.
Theo ông Hồ Tiến Chung – Trưởng Phòng Kiến tạo và Địa mạo (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản), qua việc xảy ra các trận động đất thời gian qua, các tài liệu mới nhất đã phát hiện có những ngọn núi lửa hoạt động trên lãnh thổ của Việt Nam trong khoảng thời gian từ 10.000 năm trở lại đây cũng là một nguyên nhân hết sức quan trọng cần phải được triển khai nghiên cứu để đề phòng và có phương án ứng phó.
Ông Hồ Tiến Chung cho rằng, cần tiếp tục quan trắc để có những đánh giá chi tiết hơn về vấn đề động đất kích thích, đồng thời, lưu ý khả năng tác động cộng ứng của các yếu tố.
Hơn nữa, các công trình kiên cố được xây dựng theo quy định kỹ thuật, trong khi các công trình dân sinh của bà con hiện nay đang tiến đến gạch ngói hóa nhưng kết cấu thường sơ sài và không tuân theo quy định kỹ thuật. Do đó, cần khuyến cáo về mức độ ảnh hưởng của động đất và khả năng kháng chịu của các công trình dân sinh trong vùng; tránh tổn thất về người và tài sản.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đánh giá các hiện tượng đứt gãy hoạt động, động đất núi lửa cần được sớm nhận thức và triển khai vì sớm hay muộn khi đất nước phát triển chúng ta cũng cần quan tâm đến xây dựng các công trình lớn như điện hạt nhân, năng lượng mới… rất cần đến việc đầu tư lực lượng đào tạo cán bộ, chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật để có thể đi trước đón đầu.
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đề xuất triển khai nghiên cứu, quan trắc mức độ tác động của các trận động đất đến các hiện tượng trượt lở, lũ quét trong khu vực; nghiên cứu, đánh giá sự tồn tại của các đứt gãy hoạt động và mức độ an toàn hồ đập trên địa bàn; nghiên cứu tai biến địa chất liên quan đến các núi lửa đang hoạt động ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam.