Kinh tế

Sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết

Nguyễn Hiền 23/10/2024 - 21:53

Đây là nhận định của ông Trần Việt Hòa Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tại buổi họp báo thường kỳ Quý III/2024 Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/10.

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024 Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/10, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa cho biết: Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, 2018, 2022 và năm 2023. Tuy đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung và mỗi lần đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, song hiện nay nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không giải quyết được các vấn đề mới, quan trọng phát sinh trong thực tiễn.

z5959561521771_a6de537058fda9ac9687545e01282669.jpg
Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Quý III của Bộ Công Thương

Nghị quyết số 937 ngày 13/12/2023 của UBTV Quốc hội đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực điện lực và đề nghị cần có các quy định, cơ chế tổng thể để giải quyết những bất cập, vướng mắc nêu trên, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng theo xu hướng xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế chủ đạo, tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành điện lực nước ta.

Sửa đổi toàn diện đồng bộ các quy định của Luật Điện lực theo hướng vừa bảo đảm kế thừa các quy định “đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn”; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; bổ sung, phát triển các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Mặt khác, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng; nhiều Luật mới có liên quan cũng đã được Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Cục trưởng Trần Việt Hòa nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều (giảm 01 Chương và tăng 60 Điều so với Luật Điện lực hiện hành), Bộ Công Thương đã đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với những chính sách lớn bao gồm quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.

Đồng thời, quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Uỷ ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường và các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị ĐBQH chuyên trách cũng đã thảo luận cho ý kiến. Hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra để hoàn thiện Dự thảo Luật, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Ngay sau khi Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội ban hành, Chính phủ sẽ giao Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan triển khai ngay việc hoàn thiện, ban hành văn bản pháp luật mới ở cấp độ dưới luật để hướng dẫn thực thi Luật được đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch Điện 8 theo hướng phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) để khai thác tối đa tiềm năng của đất nước và tạo sự chủ động trong cung ứng điện, đồng thời hướng tới phát triển một số nguồn năng lượng mới (điện hạt nhân và hydrogen).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO