Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Minh Hương – Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cho biết, thời gian qua, dù có nhiều nỗ lực trong việc quản lý, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nhưng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi vẫn là vấn đề nổi cộm, như ô nhiễm không khí hay trên các lưu vực sông. Việc quan trắc môi trường được xác định là công cụ không thể thiếu trong quản lý, bảo vệ môi trường nhằm kiểm soát có hiệu quản các nguồn thải, cung cấp các thông tin chính xác về chất lượng môi trường. Theo Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, Chính phủ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên và có nguồn khí thải lưu lượng lớn tại Phụ lục của Nghị định phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải/khí thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp đến các cơ quan quản lý môi trường.
TS. Trần Thị Minh Hương thông tin, đến nay, việc truyền, tiếp nhận và quản lý dữ liệu quan trắc tự động bước đầu đã được triển khai và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc triển khai ở các địa phương chưa đồng bộ về công nghệ, chưa có phần mềm hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý và khai thác số liệu, bởi vậy, quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
“Để tháo gỡ bất cập đó, với vai trò là đơn vị đầu mối tiếp nhận và quản lý dữ liệu quan trắc tự động trên phạm vi toàn quốc, từ tháng 4/2019, chúng tôi đã chuyển giao phần mềm hỗ trợ, hướng dẫn kết nối số liệu quan trắc tự động từ các doanh nghiệp về Sở TN&MT địa phương và truyền dữ liệu từ Sở về Bộ TN&MT”, TS. Trần Thị Minh Hương cho hay.
Được biết, đến nay, Trung tâm đã chuyển giao phần mềm cho Sở TN&MT 39 tỉnh, thành phố. Dự kiến đến ngày 15/12/2019, sẽ chuyển giao phần mềm cho các Sở TN&MT của các tỉnh, thành phố còn lại.
Dựa trên kết quả và kinh nghiệm khi thực hiện tại 39 tỉnh, thành phố, Trung tâm tổ chức Hội thảo tập huấn vận hành và đánh giá chất lượng hệ thống cho trạm quan trắc tự động, liên tục. Đây là dịp để các nhà quản lý, các địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước trao đổi, thống nhất, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đáp ứng được yêu cầu truyền dữ liệu về Bộ TN&MT theo quy đinh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được phổ biến các quy định trong quản lý Nhà nước liên quan đến Trạm quan trắc tự động, liên tục; Hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật trong đầu tư, vận hành và kiểm soát chất lượng hệ thống Trạm quan trắc tự động, liên tục; Hướng dẫn truyền nhận và kiểm soát dữ liệu của Trạm quan trắc tự động, liên tục.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện đến từ các địa phương, doanh nghiệp cho rằng, cần tăng cường hơn nữa hoạt động quan trắc môi trường tự động, như: đầu tư trang thiết bị để tiếp nhận, truyền và quản lý dữ liệu đối với hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục tại các địa phương và doanh nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, tập huán cán bộ phụ trách các vấn đề có liên quan để có thể vận hành hiệu quả các trạm quan trắc này. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Môi trường và các Sở TN&MT, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm thiết lập và duy trì mạng lưới quan trắc môi trường tự động, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương…