Tài nguyên nước

Cần đánh giá tác động khi tăng giá nước sinh hoạt

Khương Trung - Trường Giang (thực hiện) 08/06/2023 10:58

(TN&MT) - Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, hoàn thiện khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt.

Để có thêm ý kiến đóng góp cho việc hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ĐBQH Ma Thị Thúy - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang.

db-ma-thi-thuy.jpg
ĐBQH Ma Thị Thúy - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Thực tế cho thấy, qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên quan trọng này vẫn còn vướng mắc, bất cập. Cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng, Luật còn thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước.

Ngoài ra, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ; sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành; một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước… Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật Tài nguyên nước hiện hành.

ĐBQH Ma Thị Thúy

PV: Thưa bà! Bà đánh giá thế nào về quá trình xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của Chính phủ?

Đại biểu Ma Thị Thúy: Qua nghiên cứu Tờ trình và Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), tôi đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Dự thảo Luật đã được chuẩn bị chu đáo từ khâu nghiên cứu, xây dựng đến lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng sử dụng nước, các cơ quan quản lý nước; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các ủy ban của Quốc hội. Việc soạn thảo dự án Luật đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

PV: Điều 4 Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra tại, bà đánh giá thế nào về quy định này?

Đại biểu Ma Thị Thúy: Điều 4 Dự thảo Luật đã kế thừa quy định của Dự thảo Luật Tài nguyên nước năm 2013, đồng thời, bổ sung nhiều nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Các nội dung được bổ sung, chỉnh sửa sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện.

Nội dung này đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra và có nhiều ý kiến tham gia đóng góp, tôi đồng tình và đề nghị Dự thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.

PV: Dự thảo Luật đã quy định các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước; bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo theo nguyên tắc kinh tế thị trường, bà đánh giá thế nào về các quy định này?

Đại biểu Ma Thị Thúy: Đối với việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo theo nguyên tắc kinh tế thị trường, tôi cho rằng cần nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy; đồng thời, đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về thuế, giá và phải căn cứ vào các yếu tố như: mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế - xã hội của khu vực, lưu vực sông.

Chẳng hạn như quy định về thuế, phí về tài nguyên nước (Điều 65), đề nghị cần rà soát kỹ nội dung này để phù hợp với Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030...

3-1-.jpeg

PV: Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước và nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, dưới góc độ địa phương, theo bà, Dự thảo Luật cần tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định nào?

Đại biểu Ma Thị Thúy: Tôi xin góp ý 3 nội dung cần tập trung sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật, cụ thể: Thứ nhất, đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa lại các Điều, Khoản trong Mục 2 Chương II liên quan đến quy hoạch về tài nguyên nước cho phù hợp với các loại quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017.

Cụ thể, theo Luật Quy hoạch 2017, các quy hoạch về tài nguyên nước gồm có: Quy hoạch về tài nguyên nước (quy hoạch ngành quốc gia) và 3 loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là: Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia; Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tuy nhiên, trong Dự thảo mới chỉ nhắc đến Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh là chưa đầy đủ các loại quy hoạch.

Do đó, đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa lại quy định về nội dung của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh tại điểm đ khoản 1 Điều 19 và điểm c khoản 2 Điều 19 cho hợp lý với cấp độ quy hoạch, vì quy hoạch được lập cho thời kỳ 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm nên việc phải xác định các công trình xây dựng trong quy hoạch là không khả thi, trong khi phạm vi các công trình điều tiết, trữ nước, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước là quá rộng, không cụ thể (chưa rõ công trình phát triển tài nguyên nước là loại công trình như thế nào) nên sẽ phát sinh vướng mắc khi thực hiện và có thể thường xuyên điều chỉnh, bổ sung...

Thứ hai, đề nghị nghiên cứu, quy định lại khoản 2, Điều 63 (Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ) cho phù hợp. Vì nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, dòng chảy là một trong các nội dung phải có trong hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định là Bộ TN&MT hoặc UBND cấp tỉnh.

Thứ ba, đề nghị xem xét lại việc quy định nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt, được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 63 Dự thảo Luật. Cần có đánh giá tác động về mặt kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân do làm tăng giá nước sinh hoạt.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đánh giá tác động khi tăng giá nước sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO