Cần có giải pháp thu gom, xử lý rác thải nông thôn

19/03/2015 00:00

(TN&MT) - Rác thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn đang dần trở thành một vấn đề bức xúc đối với Bắc Kạn. Yếu kém từ khâu thu gom cho tới xử lý đang khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm đặt ra nhiều đòi hỏi bức xúc.

Rác tràn nông thôn

Đi vài km theo tuyến đường từ xã Nông Thượng (thị xã Bắc Kạn) tới xã Thanh Vận (Chợ Mới) không khó để nhận thấy rác thải rắn sinh hoạt được vứt bừa bãi ven đường. Hầu như các khe, lạch suối đều có rác từ túi nilon tới rác thải xây dựng; rác sau sản xuất nông lâm nghiệp… Rác không được thu gom, xử lý nên lưu cữu lâu ngày tạo nên nguy cơ ô nhiễm cho đời sống nhân dân. Hiện tại, những hình ảnh nơi đây cũng là phổ biến ở các vùng nông thôn của Bắc Kạn. Điểm hạn chế lớn nhất là việc phân loại chất thải nông thôn hiện vẫn còn yếu kém. Công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại vỏ bao bì, hoá chất bảo vệ thực vật chưa được quan tâm.

Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Kạn, tải lượng chất thải rắn khu vực nông thôn của Bắc Kạn là 0,5kg/người/ngày đưa tổng khối lượng rác thải rắn khu vực này phát sinh trong một ngày lên tới 158 tấn/ngày. Lượng phát sinh ở khu vực nông thôn các huyện đều từ 10 tấn/ngày trở lên. Trong đó, cao nhất là Ba Bể với 22 tấn/ngày; Chợ Đồn hơn 21 tấn/ngày; Chợ Mới hơn 17 tấn/ngày; Na Rì hơn 17 tấn/ngày… Đáng lo ngại là đến năm 2015, cơ bản lượng rác thải khu vực nông thôn toàn tỉnh đều chưa được thu gom, xử lý đúng quy định. Đơn cử như tại Bạch Thông có 80% dân số sinh sống ở nông thôn nhưng tỷ lệ thu gom rác thải khu vực này chỉ đạt 25% và được xử lý thô sơ, lạc hậu.

Với đặc thù sản xuất nông lâm nghiệp là chính nên tải lượng rác thải rắn lĩnh vực này trên toàn tỉnh cũng rất lớn bao gồm chất thải từ chăn nuôi và lượng rơm rạ phát sinh. Đó là chưa kể tới một lượng lớn bao bì đóng gói, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật… cũng chưa được thu gom, xử lý. Đối với các Trạm Y tế xã chưa đạt chuẩn thì đa phần các lò đốt thủ công đều đã hỏng. Điều này dẫn tới, rác thải rắn y tế được chôn lấp hoặc thải trực tiếp ra các bãi đất hoang gây ô nhiễm.

Rác thải vứt bừa bãi ven tuyến đường từ Nông Thượng (thị xã Bắc Kạn) đi Thanh Vận (Chợ Mới).
Rác thải vứt bừa bãi ven tuyến đường từ Nông Thượng (thị xã Bắc Kạn) đi Thanh Vận (Chợ Mới).

Chất thải của các cơ sở chế biến gỗ, dong riềng chiếm một phần đáng kể trong nguồn phát sinh chất thải rắn nông thôn, ngày càng gia tăng về số lượng, đa dạng và phức tạp về thành phần. Không ít các nhà máy, cơ sở chế biến đặt tại các vùng nông thôn vì vậy cũng làm tăng lượng rác thải tại các địa bàn. Khối lượng chất thải rắn của ngành chế biến nông lâm sản hiện lên tới hơn 50 tấn/tháng; công nghiệp khai khoáng gần 3.000 tấn/tháng; sản xuất gạch xây dựng khoảng 37 tấn/tháng; đá xây dựng hơn 167 tấn/tháng; khai thác cát sỏi hơn 569kg/tháng…

Theo dự báo của ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, đến năm 2016, lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nông thôn trên toàn tỉnh sẽ lên tới trên 3.300 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt là 144 tấn/ngày; chất thải rắn thương mại hơn 5 tấn/ngày và chất thải rắn chăn nuôi hơn 3.151 tấn/ngày. Đặc biệt, chất thải nguy hại trong rác thải sinh hoạt nông thôn lên tới 01 tấn/ngày đang đặt ra yêu cầu bức thiết về việc phải có giải pháp thu gom, xử lý.

Hướng đi nào

Để thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình như xử lý nước thải sau chế biến dong riềng; xây dựng các lò đốt quy mô nhỏ tại Cẩm Giàng (Bạch Thông), Bình Trung (Chợ Đồn)… Từ kinh phí sự nghiệp môi trường, các huyện cũng đầu tư thí điểm nhiều mô hình như huyện Ba Bể với mô hình lò đốt xử lý rác thải nông thôn tại các chợ đầu mối thuộc các xã Hà Hiệu, Chu Hương, Khang Ninh và Cao Thượng.

Bạch Thông là một trong những địa phương đầu tiên của Bắc Kạn ban hành Đề án phân loại thu gom xử lý rác thải, chất thải khu vực nông thôn. Bà La Thị Huyền- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thực hiện đề án này, đối với khu vực nông thôn, huyện phấn đấu ít nhất 90% rác thải dân cư tập trung và doanh nghiệp được thu gom, xử lý đúng quy định; ít nhất 80% rác chợ, nơi công cộng được thu gom, xử lý đúng quy định; ít nhất 80% các hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại rác tại nguồn và xử lý rác theo quy định. Tại đề án, huyện đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách phân loại, thu gom, xử lý rác đúng quy định; xây bể chứa rác thải nguy hại đồng ruộng. UBND huyện giao UBND các xã thành lập ban chỉ đạo từ đó thành lập các tổ thu gom rác.

Đề án của Bạch Thông là một điểm mới mà các huyện còn lại cần phải nghiên cứu, học tập. Bởi lẽ, muốn xử lý được rác thì trước hết phải thu gom và phân loại được từng loại rác. Bên cạnh đó, các huyện cũng cần phải bố trí nguồn lực để xây dựng các điểm xử lý với quy mô nhỏ cho các xã nông thôn. Theo thông tin từ Chi Cục Bảo vệ môi trường Bắc Kạn, mô hình xử lý rác tại Cẩm Giàng và Bình Trung là khá phù hợp. Dự kiến trong năm 2015, Chi Cục sẽ tham mưu tiến hành xây dựng tiếp từ 2- 3 mô hình như vậy tại các xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Tuy nhiên, dù nguồn lực có lớn đến đâu; đề án thu gom có chi tiết tới thế nào thì cốt lõi để thành công trong thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn vẫn là ý thức của người dân. Thực tế, đã có những địa phương, xã, thôn đưa quy định về thu gom, phân loại rác vào hương ước, quy ước nhưng việc thực hiện lại chưa hiệu quả. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền một cách quyết liệt hơn./.

Bài & ảnh: Tuấn Sơn

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có giải pháp thu gom, xử lý rác thải nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO