Xã hội

Cẩm Giàng (Hải Dương): Nông dân phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

Kiên Cường 30/09/2024 22:03

Phát triển mô hình kinh tế, các cấp hội, chính quyền huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường.

img_4868.jpg
Bảo vệ môi trường đường thôn, ngõ xóm xã Cẩm Văn luôn sạch sẽ, phong quang

Năm 2024, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) xác định 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu như: Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 16% trở lên; nông nghiệp, thủy sản tăng ít nhất 3%; công nghiệp, xây dựng tăng ít nhất 16%; thương mại, dịch vụ tăng từ 17% trở lên. Tiếp tục tăng thu ngân sách từ 10% trở lên; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thêm 6 triệu đồng/ha… Chất lượng giáo dục, y tế tiếp tục được nâng lên. An sinh xã hội được bảo đảm, với thu nhập bình quân đạt từ 78 triệu đồng/người trở lên; tạo thêm 2.600 việc làm mới… phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế, huyện đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nông thôn, các vùng trồng nông sản, xây dựng mô hình điểm về phân loại rác thải tại nguồn ở xã Cẩm Văn và cánh đồng không rác thải trên toàn huyện.

img_4856.jpg
Xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng có 140ha trồng cà rốt, nông sản và rau màu các loại

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quý Quỳnh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Cẩm Giàng, cho biết: Với 34.039 hội viên lực lượng đông đảo nông dân phát triển các mô hình kinh tế “chăn nuôi thủy sản” trồng nông sản xuất khẩu như: Cà rốt, dưa, rau màu…Hội triển khai sâu rộng công tác bảo vệ môi trường nông thôn, gắn với sản xuất xây dựng 17/17 đơn vị triển khai mô hình “cánh đồng không rác thải” và mô hình “Chung tay nói không với rác trên sông” tại xã Cẩm Vũ, Lương Điền.

Việc bảo vệ môi trường cho người dân được sống không khí trong lành, nâng cao ý thức, trách nhiệm mà từ đây còn tạo được nguồn thu, giúp đỡ được nhiều hộ dân khó khăn có được ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, như mô hình “phân loại rác tại nguồn” ở xã Cẩm Văn đang phát huy được hiệu quả tích cực, để nhân rộng ra các xã trong toàn huyện.

img_4870.jpg
Phân loại rác tại nguồn tại xã Cẩm Văn được thực hiện theo đúng hướng dẫn của tỉnh Hải Dương

Chúng tôi về xã Cẩm Văn nơi đang thực hiện điểm về mô hình bảo vệ môi trường để nhân rộng các xã trong huyện. Ông Nguyễn Tiến Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã Cẩm Văn trước đây là điểm nóng về ô nhiễm môi trường do phát triển các loại hình kinh tế, xã có chợ, làm nghề mổ trâu và trồng 140 ha rau màu, nông sản. Việc phát triển các loại hình kinh tế đã mang lại thu nhập cho người dân, với hàng trăm hộ thuộc diện giàu có, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của 2.516 hộ dân trong 3 thôn.

Trước đây, khi đến đầu xã không ai có thể chịu được mùi hôi thối từ đống xương trâu, bãi rác bừa bãi khắp đường làng. Nhận thức việc phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống của người dân phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường, xã Cẩm Văn đã thực hiện mô hình thí điểm về phân loại rác tại nguồn và cánh đồng không rác thải.

img_4862.jpg
Người dân xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng đến nay đều có ý thức phân loại rác tại nguồn

Bắt đầu từ 1/3/2024, xã Cẩm Văn triển khai mô hình “Phân loại rác tại nguồn” cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xác định đây là việc làm khó, nhưng phải quyết tâm thực hiện để thay đổi nhận thức, trách nhiệm của từng hộ dân, việc làm này sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Để phong trào mang lại hiệu quả đi vào nề nếp, xã đã phân công các Đảng ủy viên, đảng viên từng thôn, kết hợp Trưởng, Phó thôn và quân dân chính phụ trách từng điểm dân cư để cầm tay chỉ việc hướng dẫn cho từng hộ dân cách làm, với việc cấp phát cho mỗi hộ dân trong xã 3 thùng đựng rác. Trong đó bao gồm: Thùng chứa rác thải hữu cơ, chất thải sử dụng tái chế, chất thải rắn còn lại.

Tại các khu dân cư, các chi hội phụ nữ đã thực hiện mô hình ngôi nhà xanh thu gom rác thải tái chế của hội viên phụ nữ đóng góp. Qua thời gian thực hiện nay đã đi vào nề nếp, không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi, lượng rác thải mang đi xử lý đã giảm được từ 50 – 60%, rác thải hữu cơ được mang ra bể ủ, với hàng tấn phân bón phục vụ cho các hộ trồng nông sản, chất thải sử dụng tái chế từ phân loại rác tại nguồn, ngôi nhà xanh được bán gây quỹ đã giúp đỡ cho hàng chục hoàn cảnh khó khăn, neo đơn… vươn lên trong cuộc sống.

img_4864.jpg
Từ rác hữu cơ đã tạo ra hàng tấn phân bón cho nông dân trồng nông sản

Bà Hà Thị Xuân, Chi hội trưởng phụ nữ xóm Cầu 3, thôn Văn Thai phấn khởi: Mô hình phân loại rác tại nguồn, ngôi nhà xanh đã thay đổi hẳn diện mạo của làng quê sạch sẽ, khang trang và người dân thay đổi nhận thức.

Tại xã Cẩm Văn, nông dân phát triển rất nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán…kinh tế nông thôn phát triển. Trước đây, người dân không có ý thức bảo vệ môi trường, đời sống khá giả, nhưng môi trường bị ô nhiễm. Nay với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể… mỗi hộ gia đình được phát 3 thùng đựng rác đều ý thức phân loại rác theo đúng hướng dẫn, hàng ngày có tổ thu gom vận chuyển đi xử lý. Ngôi nhà xanh ở các xóm thôn được chị em phụ nữ đóng góp để gây quỹ, giúp hoàn cảnh khó khăn tạo động lực cho họ vươn lên xóa đói giảm nghèo.

img_4866.jpg
Ngôi nhà xanh của các chị em Chi hội phụ nữ vừa để bảo vệ môi trường, bán lấy tiền gây quỹ giúp chị em nghèo vượt khó

Phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường và nhất là phân loại rác thải tại nguồn tại xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng phát huy hiệu quả thiết thực cần nhân rộng, vì nó không những giảm được ô nhiễm môi trường mà còn mang lại nguồn kinh tế thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩm Giàng (Hải Dương): Nông dân phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO