“Bảo vệ rừng” là nhiệm vụ!
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Vườn Quốc gia Tà Đùng (Đắk Nông) giao khoán 6.030 ha rừng thuộc lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Sêrêpốk cho 201 hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Các hộ được chia làm 19 Tổ giao khoán. Trong những năm qua, Vườn Quốc gia Tà Đùng luôn là đơn vị thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, trong đó vai trò của lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng là hết sức quan trọng.
Theo ông KThanh – một hộ dân được nhận giao khoán, từ nhiều năm nay, việc Vườn Quốc gia Tà Đùng giao cho các hộ dân là người đồng bào tại chỗ diện tích rừng để quản lý, bảo vệ đã mang lại rất nhiều nguồn lợi cho các hộ dân, góp phần giữ rừng hiệu quả hơn. “Từ muôn đời nay, người Mạ chúng tôi luôn ý thức việc giữ rừng là tâm nguyện của những người cha ông đi trước nên mỗi người luôn cố gắng giữ rừng để còn nhờ đó mà có cái ăn. Bây giờ, chúng tôi giữ rừng còn được Đảng, Nhà nước trả tiền để trang trãi cuộc sống nữa nên rất vui”, ông KThanh chia sẻ.
Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tà Đùng phối hợp với người dân nhận giao khoán cùng đi kiểm tra rừng |
Trong những năm qua, để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Tà Đùng thường xuyên phối hợp, hỗ trợ lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tuần tra, kiểm tra, đặc biệt, vào mùa cao điểm cháy rừng luôn tổ chức trực chốt luân phiên 24/24h để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ vi phạm lâm luật. Cụ thể, năm 2017 thực hiện được 990 lần tuần tra, kiểm tra tại 24 tiểu khu rừng trong Vườn Quốc gia, qua đó đã phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 3 khẩu súng tự chế và 545 dây bẫy các loại.
“Đồng hành” để giữ màu xanh
Theo ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng, trong những năm qua, những cánh rừng ở Tà Đùng giữ được màu xanh và xử lý được nhiều vụ vi phạm lâm luật là nhờ sự đóng góp rất lớn từ các hộ nhận giao khoán. “Ngoài công tác phối hợp trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được phát triển tốt thì lực lượng giao khoán cũng là đội ngũ rất tích cực trong công tác phát hiện các đối tượng lâm tặc để cùng Vườn Quốc gia phối hợp xử lý kịp thời” - ông Long chia sẻ.
Thống kê, năm 2018 thực hiện được 1.089 lượt tuần tra, kiểm tra tại 24 tiểu khu với gần 6.000 lượt người tham gia, qua đó đã phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 4 khẩu súng côn, 1 khẩu súng kíp tự chế, tháo dỡ, và thu giữ 1.298 dây bẫy thú rừng các loại; nhổ bỏ 870 cây cà phê mới trồng trên diện tích 6.872,2 m2 tái lấn chiếm. Năm 2019 thực hiện 1.168 lượt tuần tra, kiểm tra tại 24 tiểu khu rừng, qua đó đã phát hiện và xử lý 4 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 3 khẩu súng săn tự chế; tháo dỡ, và thu giữ 266 dây bẫy thú rừng các loại, 10 bẫy kẹp; nhổ bỏ 534 cây cà phê mới trồng trên diện tích 799 m2 tái lấn chiếm.
Cũng theo ông Khương Thanh Long, thời gian qua, Vườn Quốc gia đã nỗ lực chi trả các khoản dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân kịp thời, góp phần tạo động lực cho người dân vững tin hơn trong công cuộc bảo vệ mái nhà chung Tà Đùng luôn được xanh và phát triển tốt. Kết quả chi trả tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2017 - 2019 và ước thực hiện năm 2020 là 21,6 tỷ đồng từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và ngân sách Nhà nước. Mức chi trả cho các hộ nhận khoán hàng năm khoảng 3,2 - 7,5 tỷ đồng/năm.
Trao đổi thêm về một số nội dung liên quan đến công tác bảo vệ rừng, ông Khương Thanh Long cho biết: Mặc dù, trong những năm qua, công tác phối hợp bảo vệ rừng giữa Vườn Quốc gia với các hộ dân nhận giao khoán luôn đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc giao khoán cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, do diện tích quản lý rộng, địa hình phức tạp nên công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc ngăn chặn lấn chiếm đất rừng, làm rẫy.
Ngoài ra, việc di dân tự do vào các xã quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tà Đùng đã tạo ra áp lực rất lớn lên rừng và tài nguyên rừng. Từ đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép… xuất hiện ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Thời gian tới, Vườn Quốc gia sẽ phối hợp với các tỉnh giáp ranh để tăng cường công tác tuyên truyền nhằm hạn chế tối đa tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng…