Cà Mau: Tuyên truyền sâu rộng chính sách pháp luật về công tác quản lý biển, hải đảo
Sở TN&MT tỉnh Cà Mau vừa có Báo cáo gửi Bộ TN&MT, UBND tỉnh Cà Mau về kết quả thực hiện Chương trình truyền thông biển và đại dương trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024.
Theo Sở TN&MT tỉnh Cà Mau, trong năm 2024, tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức, đa dạng, lồng ghép nhiệm vụ, tuyên truyền đúng mục tiêu, đối tượng của Kế hoạch đề ra về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác quản lý biển, hải đảo; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương; quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển Đông; phát triển bền vững kinh tế biển,... cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, học sinh và Nhân dân trên khu vực biên giới biển; thực hiện các Đề án, dự án, nhiệm vụ phân kỳ của Kế hoạch.
Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự án Thư viện biển và Đại dương dự kiến Thư viện sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2027.
Về truyền thông về tài nguyên môi trường biển và hải đảo; bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi, phát triển các hệ sinh thái biển, các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo đó, đã treo 52 băng rôn, 30 áp phích, 50 cờ phướn tại nơi công cộng, các tuyến đường chính, trụ sở cơ quan làm việc với các chủ đề: “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”; “Nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương, vì một đại dương xanh và bền vững”, cấp phát 1.300 túi vải cho cho người dân trên địa bàn nhằm tuyên truyền, vận động người dân sử dụng túi vải thay túi nilon, góp phần giảm thiểu rác thải, cải thiện môi trường sống; tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về rác thải nhựa đại dương dành cho học sinh Trung học cơ sở, Tiểu học trên địa bàn huyện Năm Căn; tổ chức 07 lớp tập huấn, tuyên truyền về biển và hải đảo, có hơn 420 đại biểu tham dự là Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cán bộ ấp và cộng đồng dân cư tại các xã, thị trấn thuộc các huyện ven biển; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng ngư dân về quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thuỷ sản 16 lớp/758 lượt người tham dự. Xây dựng in ấn, cấp phát 3.000 Poster hướng dẫn phân loại rác thải nhựa, 3.000 Sổ tay các quy định về quản lý rác thải nhựa đại dương; treo băng rôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu chủ đề về môi trường tại cơ quan, đơn vị và nơi công cộng được 90 băng rôn, sửa chữa 100 điểm pano tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Thường xuyên lồng ghép các nội dung truyền thông phát triển bền vững du lịch và dịch vụ biển trong các kế hoạch của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền về phát triển bền vững du lịch biển, đảo. Thông qua các hội nghị, hội thảo đã giới thiệu, thông tin đến đông đảo người dân đang khai thác, phát triển du lịch tại các địa phương, nhất là các địa phương ven biển như xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời)… về phát triển du lịch thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.
Tiếp tục xây dựng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển, Khu Ramsar thế giới Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc của tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khai thác tiềm năng, lợi thế của Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; đồng thời tăng cường kết nối, liên kết phát triển du lịch biển đảo với các địa phương ven biển…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho bà con ngư dân ở các xã thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Kết quả, tổ chức được 30 lớp/1.359 lượt người tham dự; thực hiện tuyên truyền 09 tờ gấp điện tử, infographic với các nội dung xử lý vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản; xử lý vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản; xử lý vi phạm quy định về tàng trữ, sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, thực vật có độc tố để khai thác thủy sản; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản; danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản đến công chức, viên chức, người lao động; cấp phát 10.000 tờ áp phích, 5.000 tờ gấp tuyên truyền Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thuỷ sản cho các sở ngành, đơn vị có liên quan; cấp phát 200 cuốn Sổ tay cứu hộ rùa biển cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển; lắp đặt 03 bảng Pano tuyên truyền bảo vệ rùa biển tại các Cảng cá: Sông Đốc, Rạch Gốc, Hòn Khoai.
Phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức tuần tra kiểm soát hoạt động khai thác thuỷ sản trên các vùng biển, cửa biển tỉnh Cà Mau được 40 chuyến lồng ghép tuyên truyền trực tiếp cho 1.291 tàu cá/5.013 lượt người.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép các nội dung truyền thông và xây dựng chương trình, giáo dục đào tạo về biển và đại dương vào các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh nội dung đào tạo phát triển kinh tế biển, có kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân 06 huyện ven biển; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nghề đối với các đối tượng người học theo quy định hiện hành; đẩy mạnh công tác truyền thông đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lồng ghép hoạt động về biển và đại dương vào một số môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo, có kế hoạch tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo, vị trí vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương, quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển Đông, tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và phát triển bền vững kinh tế biển…
Từ đầu năm 2024 đến nay kết quả đào tạo, bồi dưỡng nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho 06 huyện ven biển là 16.732 người, trong đó: Trần Văn Thời là 4.078 người, Đầm Dơi là 3.106 người, Năm Căn là 1.612 người, Phú Tân là 3.083 người, Ngọc Hiển là 2.779 người và U Minh là 2.074 người.
Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại khóm, ấp các địa phương ven biển đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, nâng cao tay nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, đáp ứng theo nhu cầu giải quyết việc làm của địa phương, đặc biệt chú trọng đào tạo các ngành nghề trọng điểm, các ngành nghề mang tính đặc thù thế mạnh của địa phương vùng ven biển góp phần phát triển bền vững kinh tế của tỉnh.