81,04% tổng diện tích tự nhiên đã được giao sử dụng
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại các địa phương đã tiếp tục được thực hiện, đáp ứng đầy đủ yêu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; các quy định mới về căn cứ, điều kiện, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã cơ bản được các địa phương triển khai thực hiện; sàng lọc được các nhà đầu tư kém năng lực hạn chế đáng kể việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan, sử dụng kém hiệu quả, để hoang hóa; việc giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đã được chú trọng thực hiện hơn đối với đất ở, góp phần quan trọng tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu của các địa phương đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Ảnh: Hoàng Minh |
Trong năm 2019, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương về giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích đất trên địa bàn cả nước đã được giao cho các loại đối tượng sử dụng là 26.842.798 ha, chiếm 81,04% tổng diện tích tự nhiên.
Bên cạnh đó, Tổng cục đã tiếp nhận 34 văn bản của 24 tỉnh, thành phố đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp, trong đó, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho các tỉnh Tiền Giang, Nam Định, Long An, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Ninh được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án.
Các hồ sơ còn lại Tổng cục đang lấy ý kiến Bộ NN&PTNT và đề nghị địa phương bổ sung thêm thành phần hồ sơ theo quy định. Bên cạnh đó, Tổng cục thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,36%
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, trong năm 2019, Tổng cục đã tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, kết quả đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu tổng hợp từ kết quả thực hiện của các địa phương đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp (tăng lên 0,16%, tương đương khoảng 20.900 Giấy chứng nhận so với cùng kỳ năm 2018). Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 19 của Chính phủ trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện.
Tính tới cuối năm 2019, cả nước có 165/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 46 tỉnh, thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, chiếm 23,14% trên tổng số huyện (tăng 4 huyện so với năm 2018).
Ngoài ra, Tổng cục cũng tiếp tục phối hợp với các Tổng cục Thuế và một số địa phương để thí điểm thực hiện việc liên thông thủ tục hành chính về đất đai theo hình thức điện tử. Triển khai thực hiện các hạng mục của dự án “Tăng cường Quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (Dự án VILG); triển khai xây dựng Đề án Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, trong đó có việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước.