“Bức tường xanh” ứng phó biến đổi khí hậu

Thanh Tâm| 15/02/2022 11:45

Thanh Hóa có đường bờ biển dài 102km, là một trong số tỉnh chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Để ứng phó với BĐKH, đặc biệt giảm nhẹ thiên tai, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là điều tiên quyết. Rừng ngập mặn được ví như “bức tường xanh” ngăn cơn sóng dữ, bảo vệ tính mạng, tài sản của những người dân làng chài.

Tác động của BĐKH

Thanh Hóa là một trong những tỉnh chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH, như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan...

BĐKH gây ra nhiều tác hại tới rừng và nghề rừng, đe dọa tới đa dạng sinh học và làm tăng nguy cơ mất rừng. Thời tiết thay đổi cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác trồng rừng của người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là công tác trồng rừng ngập mặn gặp nhiều khó khăn.

a1.png

“Bức tường xanh” bảo vệ hệ thống đê ở các xã ven biển huyện Hậu Lộc.

Tác động của BĐKH làm cho mực nước biển dâng cao, hệ thống đê biển không thể chống chọi được, dẫn đến nguy cơ vỡ đê trong các trận bão lớn, khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước ở các con sông nội địa dâng cao kết hợp gia tăng dòng chảy lũ làm ngập úng hoa màu, nhà cửa; gia tăng tình trạng xâm nhập mặn của biển vào đất liền. Từ đó, gây khó khăn cho công tác cấp nước phục vụ sản xuất; nước biển dâng và triều cường mạnh làm cho diện tích đất và rừng ngập mặn bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng ngập mặn ven biển.

Những năm trước đây, do sức ép về phát triển kinh tế, rừng ngập mặn ở một số địa phương bị phá làm đầm nuôi tôm, diện tích rừng ven biển bị thu hẹp nhanh chóng và suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên trải qua nhiều đợt thiên tai, chính quyền và người dân ven biển tỉnh Thanh Hóa đã nhận thức được vai trò to lớn của rừng ngập mặn trong việc ngăn sóng dữ, bảo vệ những người dân làng chài.

Vai trò của rừng ngập mặn

Từ việc nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, rừng đã được trồng và trồng thành công tại nhiều xã ven biển huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, góp phần bảo vệ các tuyến đê, giữ gìn môi trường sinh thái tự nhiên, nâng cao ý thức cho nhân dân trong việc khai thác thủy, hải sản. Rừng ngập mặn phát triển, trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại chim, tôm và cá. Người dân các xã được hưởng lợi từ trồng rừng ngập mặn cũng đã từng bước nâng cao thu nhập từ việc nhân giống cua biển và nuôi ong dưới tán rừng. Từ đó, góp phần hạn chế sự suy thoái môi trường, sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản bằng việc quản lý tốt và khai thác hợp lý vùng đất ngập nước ở cửa sông ven biển.

Có dịp về các xã ven biển huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, bạn sẽ được thấy dọc tuyến đê biển phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn với bần chua, sú, vẹt... Những khu rừng ngập mặn hàng chục năm tuổi, cây cao 3 - 5m góp phần tạo cảnh quan và điều hòa khí hậu cho nhiều xã dọc sông, biển. Đây cũng là nơi trú ngụ của những đàn cò lớn, dưới tán là hệ sinh thái đang hồi sinh với tôm, cua, ốc, cáy... là nguồn sinh kế của nhiều hộ dân ở các xã ven biển. Hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển đang hưởng lợi từ rừng ngập mặn mang lại.

a4.jpg

Rừng ngập mặn là sinh kế của nhiều người dân ở các xã ven biển.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, tổng diện tích khoán bảo vệ rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay là 822ha, trên địa bàn 3 huyện Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa. 100% diện tích rừng ngập mặn giao khoán bảo vệ rừng được quản lý, bảo vệ rất tốt, không có các vụ vi phạm về phá rừng, không có dự án chuyển mục đích sử dụng rừng ngập mặn.

Nhiều địa phương đã triển khai trồng mới được 723,44 ha rừng ngập mặn, chủ yếu tập trung tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa. Đã trồng bổ sung được khoảng 300ha rừng ngập mặn ven biển tại huyện Hậu Lộc và huyện Nga Sơn.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phòng Sử dụng và Phát triển rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Vai trò của rừng ngập mặn đã được chứng minh qua thực tế, nhất là những năm gần đây trước những biến đổi dữ dội khó lường của khí hậu. Vì vậy, ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa rất chú trọng trồng mới, trồng bổ sung diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của cộng đồng để trồng và triển khai phương án quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng. Đây là cách làm hay và sáng tạo được áp dụng rộng rãi tại tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở sự tham gia của cộng đồng dân cư, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH.

Trồng rừng để nâng cao sinh kế, cải thiện cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế địa phương. Hơn thế, trồng rừng để chắn sóng, bảo vệ đê là kinh nghiệm của cha ông nhiều đời nay để lại và cần được tuyên truyền, nhân rộng. Để sau mỗi cơn bão đi qua chúng ta không phải giật mình trước hậu quả của nó để lại. Rừng ngập mặn chính là “bức tường xanh” bảo vệ hệ thống đê biển, ứng phó với BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bức tường xanh” ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO