Theo nguyên lý thiết kế của nhà máy lọc dầu (NMLD) và yêu cầu của nhà cung cấp bản quyền công nghệ, các NMLD phải tiến hành dừng để bảo dưỡng tổng thể sau 3 đến 4 năm hoạt động liên tục. Ngoài ra, theo Tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng cho các thiết bị áp lực, sau một thời gian vận hành, các thiết bị này cần được kiểm tra, đảm bảo an toàn sản xuất. Công tác bảo dưỡng tổng thể còn nhằm nâng cao hiệu suất vận hành, đảm bảo Nhà máy hoạt động lâu dài và ổn định ở trên 100% công suất thiết kế.
Chuyên gia người nước ngoài tham gia BDTT NMLD Dung Quất lần 3 năm 2017 |
Mặc dù công tác bảo dưỡng tổng thể lần 4 thường chỉ thực hiện trong thời gian gần 2 tháng, nhưng BSR đã phải chuẩn bị các công việc từ hơn 2 năm trước với một khối lượng rất lớn các đầu việc như: Xây dựng phạm vi công việc với hơn 5.100 đầu mục công việc; Bóc tách khối lượng và xây dựng dự toán; Xây dựng sơ đồ tổ chức, phương án triển khai thực hiện; Tổ chức mua sắm vật tư thiết bị, lựa chọn nhà thầu; Triển khai công tác lập kế hoạch và tiến độ chi tiết, …
Khối lượng công việc bảo dưỡng tổng thể lớn, tiến hành trong khoảng thời gian ngắn với yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt, nên bất kỳ NMLD nào trên thế giới, cũng đều phải đấu thầu quốc tế với sự tham gia sâu rộng của các nhà thầu bảo dưỡng chuyên nghiệp trên thế giới. Trong 7 gói thầu chính, có 4 gói thầu có sự tham gia liên danh của các nhà thầu nước ngoài như DONG IL (Hàn Quốc), NEWWIN (Malaysia), HDS (Thái Lan). Những nhà thầu bảo dưỡng này có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện bảo dưỡng tổng thể cho các nhà máy lọc dầu ở khu vực châu Á, với đội ngũ nhân sự chất lượng cao.
Thợ lặn bảo dưỡng phao Rót dầu không bến một điểm neo (SPM) |
Ông Lê Xuân Hiển - chuyên gia phụ trách kế hoạch bảo dưỡng cho biết: Bảo dưỡng tổng thể lần 4, có đến 65% khối lượng công việc do các nhà thầu Việt Nam đảm nhiệm, 35% do các nhà thầu nước ngoài. Tuy khối lượng công việc do nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm không nhiều bằng các nhà thầu Việt Nam nhưng đó lại là phần công việc vô cùng quan trọng. Họ phải thực hiện thay thế, sửa chữa một số hạng mục liên quan đến các phân xưởng chính của Nhà máy như phân xưởng RFCC, CDU, CCR.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với công tác bảo dưỡng tổng thể lần này là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Công tác huy động nhân lực, chuyên gia từ các nước như Ý, Đức, Pháp, Anh, Nhật,.. của các nhà thầu đang gặp vô vàn khó khăn do lệnh phong tỏa, cấm nhập cảnh trong thời kỳ dịch bệnh. Công tác mua sắm, giao nhận các trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác bảo dưỡng tổng thể chủ yếu đến từ các nước G7 nên cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng đang lan rộng và diễn biến phức tạp tại các quốc gia này.
Để chủ động trong công tác bảo dưỡng tổng thể, ông Bùi Ngọc Dương - Phó Tổng Giám đốc BSR cho biết: Công ty đã xây dựng các phương án triển khai thực hiện bảo dưỡng tổng thể nhà máy tương ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, với phương châm: Chúng ta không thay đổi được hoàn cảnh nhưng chúng ta thay đổi được cách ứng phó với hoàn cảnh.
Bảo dưỡng phân xưởng RFCC – trái tim của NMLD Dung Quất |
Hiện tại, BSR đang theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cũng như trên thế giới, đồng thời trao đổi thường xuyên, cập nhật tình hình của các nhà thầu để có phương án điều chỉnh tiến độ bảo dưỡng tổng thể nhà máy cho phù hợp. Một số kịch bản đã được xây dựng với những giải pháp ứng phó tương ứng.
Trong tình huống dịch bệnh kéo dài, chưa kiểm soát được, BSR có thể phải tính đến phương án lùi thời điểm thực hiện bảo dưỡng tổng thể sang năm 2021. BSR cũng đã xây dựng kế hoạch đánh giá tổng thể tình trạng máy móc, thiết bị và có các giải pháp dự phòng để đảm bảo Nhà máy vận hành tuyệt đối an toàn, ông Dương cho biết thêm.