Bong tróc niềm tin

Phương Anh | 23/11/2020 21:31

(TN&MT) - Niềm tin của người dân vào những lời cam kết của cơ quan chức năng thêm vỡ vụn và những ‘vết sẹo’ của việc đào lên, lấp xuống trên vỉa hè của Thủ đô lại càng hằn sâu.

Chất lượng vỉa hè Hà Nội đang làm nóng dư luận, khi chủng loại đá sử dụng được ‘quảng bá’ có độ bền đến 70 năm, nhưng chỉ sau hai năm đã bong tróc và sụt lún. 

Vỉa hè lát bằng đá tự nhiên trên đường Lê Văn Lương xuống cấp

Nhiều năm tốn công, tốn của đại tu vỉa hè, dường như Hà Nội vẫn đang loay hoay với câu chuyện chọn vật liệu để đảm bảo độ bền và đẹp trong công cuộc chỉnh trang đô thị.

Thực tế, từ năm 2016, TP. Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Từ khoảng năm 2017 đến nay, nhiều quận nội thành Hà Nội đã ‘ồ ạt’ cải tạo hè phố, trong đó, sử dụng lát đá tự nhiên đúng như mục tiêu trên.

Tuy vậy, thời gian gần đây, khu vực vỉa hè phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng); Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); Giải Phóng (quận Hoàng Mai); Lê Hồng Phong (quận Ba Đình); Trần Duy Hưng, Trung Kính (quận Cầu Giấy)… dù mới được lát đá và đưa vào sử dụng từ năm 2018, nhưng nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún, xô lệch.

Người Hà Nội không khỏi xót xa trước thực trạng nhiều tuyến phố lát đá tự nhiên với độ bền gần thế kỷ nhưng ‘đoản mệnh’. Bởi lẽ, của đau con xót, làm sao có thể không buốt ruột khi ngân sách bị ‘ném qua cửa sổ’?

Một phiến đá vỡ vụn, không chỉ làm lộ ra những yếu kém về hạ tầng, về quy hoạch, mà còn 'tố giác' cả quy trình trong quản lý. Những lý giải hùng hồn của các cơ quan chức nằng khi triển khai công trình, sau vài năm, đến thời điểm công trình hư hỏng có thể làm người dân quên mất vì sự bộn bề của cuộc sống mưu sinh nên kiểu làm ăn này vẫn cứ tồn tại. Ngoại trừ một vài công trình ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến đời sống dân sinh bị xã hội lên tiếng, khiến một vài quan chức bị xử lý, đa phần còn lại đều được cho qua… Một vài tiếng kêu “nhỏ lẻ”, yếu ớt đâu đó thường không đủ sức tác động để các cơ quan chức năng vào cuộc, lật lại vấn đề.

Lựa chọn lát đá tự nhiên có độ bền với tuổi thọ 70 năm hay thậm chí 100 năm ở một góc nhìn khác không phải là điều dư luận quan tâm nhất, vấn đề cốt lõi mà người dân quan tâm chính là cách hành xử thiếu trách nhiệm với tương lai khi lựa chọn loại vật liệu này.

Không khó để hình dung kiến tạo một khối núi tự nhiên có thể phải mất đến hàng triệu triệu năm, trong khi đó, đá vỉa hè lát chỉ được vài năm đã vỡ vụn. Sự lãng phí này thậm chí có thể sẽ ảnh đến việc giáo dục cả một thế hệ trẻ, làm cho các công dân tương lai trở nên vô trách nhiệm với môi trường sống của chính mình.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, nếu ai từng tham gia những Ngày hội tái chế, sẽ không khỏi bất ngờ về những sáng tạo của các bạn trẻ. Những hộp nhựa, lon bia bỏ đi được biến thành những lọ cắm bút, chiếc chặn giấy xinh xắn, những ống hút nhựa được thay bằng ống hút tre, hút cỏ… Thế nhưng, có một khoảng cách giữa những điều dạy cho con trẻ và những gì thế hệ này trông thấy hàng ngày. Con trẻ sẽ nghĩ sao về người lớn, nếu giữa vật liệu tái chế và vật liệu khai thác từ thiên nhiên, người lớn sẽ vẫn chọn cái thứ hai?

Thay gạch lát vỉa hè là một ‘chủ trương đúng’, nếu nhìn từ khía cạnh thẩm mỹ. Một số tuyến phố đá lát xong chưa lâu đã vỡ tan tành phần nào do lát chưa ‘đúng quy trình’ và cũng vì các phương tiện giao thông thường lao lên ‘băm’ vỉa hè. Cách giải thích này cũng được phần đông dư luận chấp nhận. Chỉ có điều khi nổ mìn phá núi, xẻ đá làm đường, dường như chúng ta quên bài học chúng ta dạy cho con trẻ về sử dụng vật liệu tái chế, về sống xanh.

Và điều này đã được các nhà khoa học ‘nhanh chân’ nắm bắt xu thế thời đại với những công trình khoa học biến chất thải thành vật liệu xây dựng với ưu điểm rẻ hơn, thân thiện hơn với môi trường. Nhưng trăn trở là khoa học không dễ đi vào đời sống, nếu thiếu cơ chế chính sách, nếu con người không thay đổi tư duy - điều mà một số chuyên gia đã cảnh báo ngay khi những công trình này ra đời. Cách mà nhiều người 'ứng xử' với gạch tái chế hiện nay, phần nào đã cho chúng ta thấy được câu trả lời.

Trái đất đã cung cấp cho loài người một hệ sinh thái hoàn hảo. Nhưng con người đã đáp lại sự hào phóng ấy bằng việc khai thác ồ ạt tài nguyên thiên nhiên, thải chất ô nhiễm vào đất đai, sông ngòi và bầu khí quyển. Đến hôm nay, nhân loại kịp nhận ra, khi chúng ta cứ mãi lấy đi mà không có gì ‘hoàn trả’, đã đến hồi bà mẹ thiên nhiên giận dữ. Tiết kiệm nguyên vật liệu, hạn chế khai thác tự nhiên, tăng cường tái chế, trồng cây…, nói gọn hơn, sống xanh gần như là phương cách duy nhất con người giảm nhẹ hậu quả của những thảm họa thiên nhiên.

Năm 2018, Thanh tra thành phố Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, sai phạm liên quan đến dự án lát đá vỉa hè. Theo đó, một số quận chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa, cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50 - 70 năm, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực như tại quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bong tróc niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO