Các thành viên của Tổ công tác Trường Đại học Y Hà Nội trao đổi chuyên môn về xét nghiệm với các cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có công văn số 4114/BCĐQG gửi Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Trước diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam là cơ sở tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 cho tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh lân cận.
Để tăng cường năng lực cho bệnh viện này, bảo đảm thu dung, quản lý, điều trị COVID-19 theo chỉ đạo trên của BCĐQG, Bộ Y tế đề nghị giám đốc 3 bệnh viện trên cử các chuyên gia hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh tại cho Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Hiện tại tỉnh Quảng Nam có 3 bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19, đó là: Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam (điều trị 10 ca), Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam (hiện điều trị 16 ca), Bệnh viện đa khoa Khu vực Miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam (1 ca).
Trước đó, ngày 2/8, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung phòng, chống dịch, GS. TS Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đã lựa chọn một ekip về xét nghiệm, gồm đầy đủ các chuyên gia, từ lấy mẫu, mã hóa đến xử lý mẫu, làm và chạy kết quả để đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam để hỗ trợ bệnh viện này trong công tác phòng chống dịch.
Tổ công tác gồm 8 thành viên do thầy Phạm Xuân Thắng- Phó Hiệu trưởng Trường Đại hoc Y Hà Nội làm Tổ trưởng.
Theo GS.TS Tạ Thành Văn, các thành viên tham gia Tổ công tác là những cán bộ chủ chốt, có sức khỏe, có kinh nghiệm, đã thực hiện thành công gần 10.000 mẫu COVID-19 tại phòng thí nghiệm của trường trong giai đoạn trước.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa để Tổ công tác giúp địa phương xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19. Không chỉ trực tiếp làm việc, các chuyên gia còn quan tâm đến công tác đào tạo cho các cán bộ địa phương theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, để khi Tổ công tác rút, địa phương hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật với chất lượng cao. Vì thế, các chuyên gia cũng cần mang theo các tài liệu giảng dạy để đào tạo, cũng như tìm hiểu xem địa phương đang cần gì để mang vào hỗ trợ.
Tổ công tác sẽ hỗ trợ không chỉ cho riêng BVĐK TW Quảng Nam mà còn Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung không ấn định thời gian trở về. Nhà trường sẽ trích Quỹ phòng, chống COVID-19 của trường để chuẩn bị cho cán cán bộ đi công tác với điều kiện tốt nhất có thể, từ trang bị bảo hộ, lương thực, thực phẩm.
"Ngay khi vào đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, nhóm kỹ thuật của trường Đại học Y Hà Nội đã bắt tay ngay vào công việc, phân chia thành viên phụ trách khảo sát trang thiết bị, hướng dẫn, tập huấn về quy trình lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Đồng thời các cán bộ của Đoàn tham gia trực tiếp lấy mẫu xét nghiêm các trường hợp nghi ngờ cần phải xét nghiệm COVID-19", ông Phạm Xuân Thắng cho biết.
Cũng trong sáng 3/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã ký liên tiếp 2 công văn điều động khẩn các bệnh viện tuyến trên chi viện cho Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Theo đó, để hỗ trợ điều trị các ca COVID-19 diễn biến nặng tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2, Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẩn trương cử một đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch COVID-19.
Với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị cử các chuyên gia về hồi sức tích cực đến hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.