Đối thoại cấp Bộ trưởng với các tuyên bố của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ nhiệm Ủy ban Môi trường, Đại dương và Thủy sản Châu Âu Virginijus Sinkevičius sẽ bắt đầu Diễn đàn Berlin.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà tham dự Diễn đàn trực tuyến tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, bắt đầu vào 18:30 (giờ Việt Nam) ngày 7/7/2021. Diễn đàn Berlin sẽ tiếp tục với cuộc đối thoại các bên liên quan vào ngày 8/7/2021.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tham dự Diễn đàn Berlin về Kinh tế Hóa chất và Phát triển Bền vững theo hình thức trực tuyến tại Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Triển vọng Hóa chất Toàn cầu II đã chỉ ra rằng sản lượng hóa chất toàn cầu sẽ tăng gấp đôi so với năm 2017. Đồng thời, vài triệu tấn hóa chất xâm nhập vào môi trường mỗi năm. Điều này xảy ra ở các điểm khác nhau trong chuỗi giá trị, từ khai thác nguyên liệu thô đến sản xuất và chế biến đến tiêu thụ và thải bỏ.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) việc quản lý hóa chất không chặt chẽ trong năm 2016 đã dẫn đến ít nhất 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới và gây tổn thất 45 triệu (người x năm lao động) do khuyết tật có nguyên nhân hóa chất. Vào năm 2015, gần một triệu công nhân đã thiệt mạng do ảnh hưởng của việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Các số liệu thực có thể cao hơn nhiều vì những số liệu này chỉ thống kê các trường hợp liên quan đến một số ít hóa chất có bằng chứng về mối liên hệ nhân quả. Đặc biệt, người nghèo bị ảnh hưởng lớn hơn do tác động của ô nhiễm hóa chất.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc ở Johannesburg năm 2002, các hóa chất đã được thống nhất rằng nên được sử dụng và sản xuất theo những cách giảm thiểu các tác động có hại đáng kể đến sức khỏe con người và môi trường (Mục tiêu WSSD 2020).
Phát biểu tham dự tại Hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị lần này và kêu gọi các quốc gia cần có những nỗ lực và đồng thuận cao để quản lý, sử dụng hiệu quả hóa chất. Trong đó, Thủ tướng Angela Merkel đề nghị, thông qua Hội nghị, các quốc gia tham dự cần có quy tắc chung cho toàn cầu và có các chế tài chặt chẽ để các quốc gia trên thế giới cùng tham gia thông qua các hợp tác đa phương, đa ngành, tổ chức các hội nghị cấp cao để đối phó với những thách thức do sản xuất và sử dụng hóa chất đang phát triển nhanh chóng và các rủi ro liên quan đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
Trong phần phát biểu của mình, ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên Môi trường, Đại dương và Thủy sản, Ủy ban châu Âu thêm một lần nữa khẳng định những ảnh hưởng của hóa chất đến môi trường, khí hậu, các dịch bệnh gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, do đó, ông Virginijus Sinkevicius kêu ngay trong EU cần tiên phong hướng tới các hành động, hoạt động giải quyết các vấn đề liên quan đến hóa chất trong đời sống sinh hoạt và cần có các chính sách cấm hóa chất độc hại trong các sản phẩm.
Ông Virginijus Sinkevicius cũng đề nghị, cần áp dụng khoa học công nghệ từ sản xuất tới ứng dụng để dẫn dắt cho các ngành giảm sự ảnh hưởng của hóa chất tới cuộc sống. Đồng thời, cần có hệ thống pháp lý, chính sách, chế tài để quản lý và phát triển các hóa chất, sử dụng hóa chất có tính chất bền vững, để từ đó. đưa ra chiến lược dài hạn bảo đảm an toàn cho cho thế giới trong việc sử dụng hóa chất và chất thải…
Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp giải quyết những thách thức mà Hội nghị đã đề cập đến, đồng thời, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo ra cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng…
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị |
Để thực hiện phát triển bền vững, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng các thể chế về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, coi đây là chến lược cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, kinh tế tuần hoàn và an toàn hóa chất đã được thể chế vào Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Thứ trưởng đề xuất một số nội dung, giải pháp của Việt Nam để Hội nghị cùng thảo luận, trong đó, chú trọng xem xét phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu đề toàn cầu đạt mục tiêu phục hồi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, an toàn hóa chất và điều này cần được triển khai rộng rãi ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng, hợp tác và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội cùng nhau hướng tới mục tiêu đặt ra về kinh tế tuần hoàn và an toàn hóa chất.
Ngoài ra, cần có quy định về trách nhiệm công khai thông tin đối với các loại hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm và có trong sản phẩm để khi sản phẩm thải bỏ sẽ được phân loại, thu gom, xử lý một cách phù hợp và không trở thành rào cản cho kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, xem xét cơ chế hợp tác, đối tác trong chia sẻ dữ liệu về các loại hóa chất sử dụng trong các ngành sản xuất, trong các sản phẩm tiêu dung, đồng thời, tăng cường hợp tác về quản lý bền vững hóa chất và chất thải trong khuôn khổ các Công ước Basel và Stockholm vì mục tiêu phát triển bền vững.
Toàn cảnh phiên họp tại đầu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường |
“Thực tiễn hiện nay đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận và chuyển đổi mô hình phát triển sang phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường. Với sự quan tâm, vào cuộc của các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên toàn thế giới, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cho giai đoạn 2015 - 2030, toàn cầu chung tay hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng cho con người và hành tinh của chúng ta.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.