Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững vùng đồng bào dân tộc
(TN&MT) - Những năm qua, nhất là từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật tới người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa, qua đó giúp người dân nâng cao ý thức về công tác bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường tới nhân dân, nhất là đồng bào vùng DTTS ở các huyện vùng cao. Thông qua công tác tuyên truyền góp phần từng bước thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người dân và cộng đồng cùng chung tay hưởng ứng và hành động bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể hàng ngày như thu gom, đổ rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni- lông, tận dụng rác thải làm thành vật hữu ích trong cuộc sống.
Đồng thời phát động nhiều phong trào thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia như: “Tết trồng cây”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, mô hình “Dùng làn đi chợ”, “Biến rác thành tiền”, mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, “Ngày thứ 7 tình nguyện, ngày chủ nhật xanh”. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập các tổ tự quản thu gom rác và giao cho các trưởng thôn, khu quản lý, cũng như phát động phong trào toàn dân chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các ngành, địa phương tổ chức 20 cuộc mít tinh, 3 cuộc diễu hành, 158 lượt ra quân vì môi trường, biển đảo quê hương, chống rác thải nhựa. Treo 2.000 băng rôn, 1.500 phướn, 800 poster tuyên truyền tới cộng đồng dọc các tuyến đường chính. Tổ chức 17 gian hàng, triển lãm, trưng bày, trình diễn các mô hình văn phòng xanh - chống rác thải nhựa, các sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần, không thân thiện môi trường.
Ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&M tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ô nhiễm môi trường để lại nhiều hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ra các bệnh hiểm nghèo, tăng gánh nặng về y tế, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, sự cân bằng của hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, suy giảm, cạn kiệt nguồn tài nguyên. Vì vậy, hoạt động bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, mỗi người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS cần được đẩy mạnh, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống của nhân dân theo hướng bền vững.
Nâng cao đời sống bà con vùng cao
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể, riêng có của tỉnh đã tạo đột phá, thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng về kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa. Đây là cơ sở, nền tảng và điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Chỉ tính trong 3 năm (2021-2023), Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã vận động, huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, người dân hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các hộ nghèo và các hạng mục để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia với số tiền trên 84,7 tỷ đồng, trong đó, chương trình xóa nhà tạm, dột nát đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.291 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh, với tổng kinh phí trên 78,3 tỷ đồng; hỗ trợ xây 827 nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chí NTM cho nhân dân tại huyện Bình Liêu và huyện Ba Chẽ, với tổng số tiền là 3,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, đến hết năm 2023, có 99,9% số hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt trên 70%, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Với những quyết sách đúng đắn, hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển vượt bậc, diện mạo đô thị hiện đại, đời sống nhân dân nâng lên, hết năm 2023, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Theo đó, đến hết năm 2023, riêng thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh đã đạt trên 73 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia được tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr ghi nhận và chúc mừng những thành tích và kết quả nổi bật quan trọng mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết 06 gắn với 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Với những kết quả đạt được, Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng, là điển hình trong thực hiện các chương trình MTQG nói chung và chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS, miền núi nói riêng trên cả nước.