Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Hà Giang |
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, tình hình quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Theo báo cáo, với đặc trưng của điều kiện tự nhiên phân thành 3 vùng, vùng cao phía bắc còn gọi là cao nguyên Đồng Văn, với 90% diện tích là núi đá vôi, đặc trưng cho địa hình karst, ngày 03/10/2010 cao nguyên đá Đồng Văn đã gia nhập mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu với tên gọi: CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn; đây đặc trưng có khí hậu ôn đới nhưng lại ít đất sản xuất và thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất khá trầm trọng.
Thứ hai là vùng cao phía tây gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần là một phần của cao nguyên Bắc Hà, thường được gọi là vòm nâng sông Chảy, có độ cao từ 1.000m đến trên 2.000m. Vùng núi thấp, khu vực này có những dải rừng già xen kẽ những thung lũng tương đối bằng phẳng nằm dọc theo sông, suối.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang báo cáo tại buổi làm việc. |
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Hà Giang là tỉnh có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ quyét và sạt lở đất…
Trong bối cảnh những tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh chịu tác động và ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19 chủ yếu trên các hoạt động trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh đó, diễn biến bất thường của thiên tai (mưa đá, gió lốc, sạt lở…) đã gây thiệt hại về tính mạng và tài san của nhà nước, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, theo lãnh đạo tỉnh Hà Giang, đây là lĩnh vực hết sức quan trọng và nhạy cảm, có liên quan mật thiệt đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Chính về thế, Đảng bộ tỉnh Hà Giang luôn coi nhiệm vụ lĩnh vực này là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, theo đó chỉ đạo UBND tỉnh, các huyện/thành phố quan tâm tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Luật đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn… cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Với đặc thù là địa bàn khó khăn nơi địa đầu Tổ quốc, địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn; kinh phí còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của Trung ương dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như đo đạc, xây dựng bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính… dẫn đến quá trình tổ chức triển khai thực hiện còn lúng túng và chưa đảm bảo tiến độ đề ra.
Tại cuộc làm việc, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ địa phương để ứng phó với tình hình phức tạp của biến đổi khí hậu trong thời gian tới, đặc biệt là công tác quan trắc dự báo để có thể chủ động và cảnh báo được vấn đề lũ quét, sạt, trượt lở, thiên tai bão lũ... trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Quốc Khánh cho biết, Hà Giang sẽ không quy hoạch thêm các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh để có thể điều tiết vấn đề quản lý nguồn nước, công tác xã lũ, chống ngập trên địa bàn và tập trung nguồn lực ngân sách tỉnh cho những công tác cấp thiết hơn…
Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang cho biết thêm trên địa bàn tỉnh ngoài vấn đề thiên tai do biến đổi khí hậu, vấn đề giông-sét đánh trên địa bàn tỉnh thường xuyên gây ra thiệt hại lớn cho nhân dân, công trình, tài sản của các cơ quan tại Hà Giang. Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ địa phương trong công tác dự báo, cảnh báo, khuyến cáo người dân thường xuyên để nắm bắt kịp thời dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm để chủ động phòng tránh.
Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc. |
Sau khi nghe các báo cáo và những kiến nghị của địa phương, phát biểu tại cuộc làm việc Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và điều hành linh hoạt Uỷ ban nhân dân tỉnh, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 đầy khó khăn, tỉnh Hà Giang đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Đối với những ý kiến, kiến nghị của địa phương thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang để cùng trao đổi, bàn bạc và nhanh chóng giải quyết; đối với những lĩnh vực thuộc thẩm quyền cao hơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu trình Chính phủ để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đề cập nội dung chính của Đoàn công tác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hà Giang và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm việc cụ thể với nhau để giúp địa phương nâng cao năng lực quan trắc, khai thác triệt để được cơ sở dữ liệu, thông tin địa lý về ngành địa chất, tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu…Từ đó lập những quy hoạch, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương; đồng thời đảm bảo công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở vùng “phên dậu” của Tổ quốc sẽ bắt kịp tiến trình phát triển chung của đất nước.
Hà Giang là tỉnh miền núi có đặc điểm địa hình tự nhiên độc đáo, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, với Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu cùng nhiều địa danh nổi tiếng như núi đôi Quản Bạ, Yên Minh, Phố Cáo, phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, dinh Vua Mèo, đỉnh Mã Pí Lèng, chợ phiên Mèo Vạc, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… Do đó, để phát huy hiệu quả các tiềm năng lợi thế sẵn có, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Hà Giang cần làm tốt công tác quy hoạch, phân vùng phát triển trong đó xác định cụ thể các khu vực quy hoạch tĩnh để bảo vệ nghiêm ngặt các giá trị di sản, giá trị sinh thái, đa dạng sinh học, bảo tồn, phát triển du lịch...
Theo chương trình, ngày mai (8/8/2020) Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đi thị sát, kiểm tra một số điểm sạt, trượt lở và vùng bị ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.