Mở đầu phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn xác định được vai trò và trách nhiệm của mình với tư cách là một bộ quản lý nhà nước liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Riêng đối với lĩnh vực môi trường, theo Bộ trưởng, đây là 1 trong 3 trụ cột của phát triển kinh tế và xã hội. Còn lĩnh vực tài nguyên, đây là nguồn lực mà chúng ta đang tận dụng và huy động, đồng thời đây cũng là môi trường cho sự phát triển và đây cũng là không gian tồn tại cho sự phát triển của con người và vạn vật…
Tài nguyên môi trường vừa là mục tiêu cùng vừa là giải pháp, vừa góp phần vào thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, mô hình phát triển… Nói như vậy, để chúng tôi nhận thức được trách nhiệm trong thời gian vừa qua.
Ngành TN&MT góp phần hoàn thành nhiệm vụ 2017 của đất nước
Về nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng cho biết, Ngành TN&MT cũng hết sức tự hào và vui mừng vì trong thành công của đất nước trong năm 2017, ít nhiều Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã gián tiếp và trực tiếp đưa công tác môi trường bước đầu đạt được một số kỳ vọng của người dân.
Nhưng điều mà ngành Tài nguyên và Môi trường tự hào hơn, theo Bộ trưởng, đó là chính trong năm 2017, việc tăng trưởng của đất nước đã đi đôi với mô hình tăng trưởng theo hướng bảo vệ môi trường, tăng trưởng dựa trên tri thức, tăng trưởng mà không hy sinh, đánh đổi môi trường…
“Đây có thể nói là một trong những điểm mà chúng ta hết sức tự hào. Đây là thời điểm mà chúng ta đưa nền kinh tế của chúng ta phù hợp với xu thế Thế giới đó là tăng trưởng dựa vào tri thức, tăng trưởng dựa trên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng dựa trên việc sử dụng nguồn năng lượng từ “năng lượng đen” sang “năng lượng xanh”… Đó là điểm sáng mà chúng ta đã nhìn thấy và tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục phát huy, phát triển điều này” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cả nước cho rằng, trong bối cảnh của năm 2017 có thể nói là một năm mà Ngành Tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT và các địa phương vẫn phải gồng mình để khắc phục các tồn tại yếu kém từ trước đến nay.
Từ những vấn đề như sự cố xảy ra ở Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh cho đến Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang hay nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận)… rồi cả nước phải gồng mình chống lại những tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều khó khăn ở mọi mặt của kinh tế - xã hội.
Đặc biệt là vấn đề thiên tai, các hiện tượng cực đoan của thời tiết trong đó năm 2017 là năm có đến 16 cơn bão - một số lượng cơn bão lịch sử, với cường độ cơn bão mạnh nhất…
Và trong bối cảnh đó, chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn trong các vấn đề bảo vệ môi trường đặc biệt là vấn đề khiếu nại, tố cáo đông người liên quan đến các vấn đề như: đền bù giải phóng mặt bằng đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường, những xung đột liên quan đến sử dụng tài nguyên nước… Từ góc độ này cho thấy Ngành TN&MT còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, vượt lên những khó khăn, Ngành TN&MT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật.
Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, Bộ TN&MT đã tập truung xây dựng thể chế. Trong năm 2017, lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng thể chế trong đó Bộ đã trình 01 Luật trước Quốc hội, 13 đề án trình Chính phủ; 07 Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ và 67 Thông tư…
Bộ TN&MT cũng đã thực hiện việc cải cách Thủ tục hành chính. Trong năm 2017, Bộ TN&MT đã cung cấp Thủ tục hành chính cấp độ 3 đối với 58 TTHC, và cung cấp 14 TTHC ở cấp độ 4. Bộ TN&MT cũng đã tiến hành liên thông 4 lính vực: Tài nguyên nước, Môi trường, Địa chất khoáng sản và Biển và hải đảo cho 11 thủ tục... “Điều này đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ trong việc đơn giản các thủ tục hành chính, giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho người dân và Doanh nghiệp…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Và đặc biệt, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ cắt bớt 45 điều kiện kinh doanh không cần thiết và trong thời gian tới Bộ TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện thêm công tác cải cách thủ tục hành chính này…
Để có thể hoàn thành khối lượng công việc trong năm 2017, theo Bộ trưởng, một trong những điều mà lãnh đạo Bộ TN&MT tâm đắc trong việc hoàn thành nhiệm vụ thời gian vừa qua chính là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là sự vào cuộc của lãnh đạo các địa phương, các đoàn thể và người dân...
Chuyển từ quản lý môi trường từ “cuối đường ống” sang “đầu đường ống”
Để chuẩn bị cho năm 2018, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu một số vấn đề và đề xuất để cùng chung tay thực hiện. Cụ thể:
Thứ nhất, liên quan đến lĩnh vực đất đai, chúng ta đã hoàn thành việc sơ kết Nghị quyết 19 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… trình Bộ Chính trị. Đặc biệt là sẽ trình Luật Đất đai sửa đổi trong đó tập trung vào những vấn đề cấp bách đó là giải quyết những khiếu nại tố cáo đang tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh đó vấn đề sử dụng đất đai kém hiệu quả, nhiều dự án chậm triển khai, nguồn thu tài chính từ nguồn lực đất đai vẫn còn nhỏ bé và khiêm tốn đồng thời chưa mang tính bền vững và ổn định lâu dài...
Điều này có rất nhiều nguyên nhân trong đó có một số nguyên nhân như: liên quan đến cơ chế, chính sách đất đai: Quy hoạch đất đai chưa có tầm nhìn dài hạn; Việc phân công, phân cấp trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng…
Từ đó, theo Bộ trưởng, trước hết chúng ta phải triển khai nghiêm túc những chức năng nhiệm vụ của Luật Đất đai, chung tay khắc phục những tồn tại hạn chế, tập trung nghiên cứu sửa đổi Bộ Luật Đất đai.
Trong năm 2018, Bộ TN&MT cũng xác định rà soát xong đất nông lâm trường đồng thời đề xuất thêm việc phân bổ, quản lý, sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả của đất nông lâm trường.
Thứ hai, về môi trường, trong giai đoạn như vừa chúng ta đang thực thực hiện nguyên tắc phát triển trước, làm sạch sau… đến bây giờ chúng ta thay đổi theo hướng phòng ngừa, ngăn chặn. Thay đổi từ quản lý môi trường từ "cuối đường ống" sang quản lý môi trường một cách chủ động, quản lý từ "đầu đường ống" trong suốt quá trình hoạt động của các dự án.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, chúng ta sẽ tập trung vào các vấn đề môi trường đang bức xúc hiện nay như: vấn đề môi trường đô thị, rác thải, ô nhiễm các dòng sông, môi trường nông thôn, môi trường làng nghề… Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc chất thải phải được xử lý tại nguồn, người gây ra ô nhiễm phải bị xử lý, người gây ô nhiễm phải trả tiền…
Về giải pháp, bên cạnh việc sửa đổi chính sách pháp luật về Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần huy động nguồn lực xã hội hóa mạnh hơn nữa để phát triển ngành kinh tế dịch vụ xử lý môi trường trong tương lai.
Thứ ba, về tài nguyên nước, Bộ trưởng cho biết trong năm 2018 sẽ tiến hành quy hoạch tài nguyên nước theo lưu vực sông đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình… và một số lưu vực sông lớn.
“Chúng ta sẽ tiếp tục thể chế hóa kinh tế tài nguyên nước để quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên này. Đồng thời chúng ta sẽ tập trung bằng các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề liên quan đến nguồn nước xuyên biên giới…” - Bộ trưởng nói.
Thứ tư, trong lĩnh vực khoáng sản, hiện nay chúng ta đang tiến hành sơ kết Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị “về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục nâng cao quản lý sản lượng, hiệu quả chế biến khoáng sản đặc biệt là chú ý đến khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường…
Thứ năm, đối với lĩnh vực Khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, hiện nay nước ta đang trong giai đoạn bản lề của phát triển kinh tế và cũng là giải đoạn bản lề của việc thực hiện Thỏa thuận Pari về Biến đổi khí hậu (COP 21). Vì vậy, theo Bộ trưởng, chúng ta cần xác định rõ vấn đề về thiên tai để có biện pháp ứng phó.
Về vấn đề tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo, Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua ngành đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Bộ trưởng hy vọng trong năm 2018 chúng ta sẽ phát huy năng lực của công tác dự báo cảnh báo. Đồng thời, theo Bộ trưởng, chúng ta cũng cần xem xét việc xã hội hóa công tác dịch vụ dự báo khí tượng thủy văn để phát huy tốt hơn các nguồn lực cho công tác này.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, chúng ta cần làm tốt hơn việc biến thách thức thành cơ hội qua mô hình mà Thủ tướng chỉ đạo đó là chuyển đổi lớn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phát triển bền vững.
“Tôi cho rằng mô hình này cần tiếp tục triển khai hiệu quả, thiết thực đồng thời chúng ta cần xem xét dựa trên mô hình này để chuyển đổi nhiều vùng, ở nhiều địa phương khác nhau…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Thứ sáu, đối với công tác quản lý tài nguyên môi trường biển, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục tăng cường năng lực để thực hiện việc điều tra cơ bản đối với tài nguyên môi trường biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, cần phải khẩn trương trình Quốc hội Quy hoạch sử dụng Biển cũng như Quy hoạch sử dụng ven bờ… đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường…
Cuối bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Nếu triển khai được những nhiệm vụ nêu trên sẽ có tác dụng hết sức sâu sắc và có tác động toàn diện đến toàn thể người dân, doanh nghiệp và xã hội. Vì vậy cần có sự đồng thuận quyết tâm cao của các cơ quan ở Trung ương, các Bộ, Ngành cũng như toàn thể hệ thống Chính trị ở các địa phương và cơ sở…”.