Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp căn cơ ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ

Minh Tuấn| 02/12/2020 12:03

(TN&MT) - Từ thực tiễn quá trình chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả đợt bão, mưa lũ ở miền Trung vừa qua, cần đánh giá toàn diện diễn biến và ứng phó với các đợt thiên tai. Đồng thời, có nghị quyết về công tác khắc phục hậu quả thiên tai để giải quyết một số vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đã bộc lộ sau đợt thiên tai…

Miền Trung thiệt hại 30.000 tỷ đồng do thiên tai dị thường

Báo cáo tình hình khắc phục hậu quả thiên tai lịch sử thời gian qua tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 2/12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ giữa tháng 9 đến trung tuần tháng 11 năm 2020, miền Trung liên tiếp xảy ra thiên tai có tính dị thường, 9 cơn bão và 2 áp thấp, trong đó có cơn bão số 9 (từ 26-28/10) là một trong hai cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua vào khu vực này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 2/12. Ảnh: Chinhphu.vn

Cùng với đó, mưa lớn dị thường với tổng lượng nhiều điểm trên 3000 mm, cá biệt có những điểm 4526 mm (A Lưới - Thừa Thiên-Huế). 16 lưu vực toàn vùng đồng loạt trên báo động số 3, trong đó có 6 lưu vực vượt mức lịch sử, riêng Kiến Giang (Quảng Bình) vượt 1 m so với lịch sử, gây hậu quả nặng nề. Ngập lụt toàn vùng hạ du và sạt lở đặc biệt nghiêm trọng toàn tuyến đồi núi.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13 công điện và cử 7 đoàn công tác của Chính phủ đến địa phương. Ban Chỉ đạo Trung ương đã có 19 công điện và tổ chức nhắn 108 triệu lượt tin nhắn. Đặc biệt, đối với cơn bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo tại chỗ để chỉ đạo công tác ứng phó, huy động mọi lực lượng, phương tiện, kể cả các phương tiện hiện đại (máy bay, tàu kiểm ngư, xe lội nước), triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ” và đã kịp thời thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển và đất liền.

Tuy vậy, thiên tai dị thường, khốc liệt, đặc biệt là mưa lũ với cường độ rất lớn, tập trung kéo dài nhiều ngày, vượt quá mức dự báo, cảnh báo nên đã gây thiệt hại nặng nề. Từ giữa tháng 9 đến trung tuần tháng 11, thiên tai miền Trung đã làm 192 người chết và 57 người vẫn đang còn mất tích. Tổng thiệt hại kinh tế khoảng 30.000 tỷ đồng.

Dồn lực cứu trợ, khắc phục hậu quả

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa lũ; cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã tích cực hưởng ứng, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt là lực lượng vũ trang, các bộ, ngành chức năng đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân với rất nhiều những tấm gương dũng cảm, nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhà báo đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Về kết quả khắc phục bước đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165 về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng do thiên tai gây ra, trong đó hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ có nhà bị hư hỏng nặng. Đồng thời, quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng và xuất cấp 15.804 tấn gạo; 20 xuồng cao tốc, 384 nhà bạt, 23.146 phao cứu sinh các loại và nhiều trang thiết bị khác để hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng do thiên tai.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ đã vận động, quyên góp được 560 tỷ đồng và nhiều hiện vật thiết yếu. Nhân dân cả nước, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đều hướng về miền Trung ruột thịt với nhiều phong trào ủng hộ thiết thực, hiệu quả đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng và nhu yếu phẩm, dụng cụ sinh hoạt.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đã kêu gọi nhiều tổ chức quốc tế và nhiều nước đã ủng hộ, cứu trợ tiền mặt và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD (500 tỷ đồng). Cùng với đó, xuất cấp, hỗ trợ về trồng trọt 23,0 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau; sẽ tiếp tục xuất cấp 2.340 tấn lúa, 500 tấn ngô và 40 tấn rau (từ nguồn dự trữ quốc gia); về thủy sản 140 triệu giống tôm…Khắc phục khẩn cấp các công trình đê điều, chống sạt lở bị thiệt hại do bão, mưa lũ; công trình thủy lợi nội đồng bị hư hỏng, bảo đảm việc phân phối, tưới nước đến mặt ruộng phục vụ sản xuất.

Lực lượng chức năng hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn.

Tất cả các trường, điểm trường, cơ sở y tế bị ngập nước đã khôi phục hoàn toàn, dọn dẹp vệ sinh ngay sau khi lũ rút, đồng thời bổ sung nhiều thiết bị dạy học, sách vở, đồ dùng học sinh để đón học sinh quay lại trường học. Đến nay, cơ bản bảo đảm tất cả học sinh vùng lũ có sách, vở đến trường; các cơ sở y tế, trang thiết bị khám chữa bệnh đã được khắc phục bước đầu để kịp thời khám chữa bệnh cho nhân dân. Tất cả các tuyến giao thông chính đã được thông xe, bước đầu đáp ứng các yêu cầu về thông tuyến, bảo đảm an toàn giao thông…

Các địa phương đã chủ động, khẩn trương khắc phục nhà ở ngay sau khi bão, lũ đi qua. Đến nay, tất cả các nhà bị hư hại, tốc mái, bị ngập đã cơ bản khắc phục xong; riêng 1.531 hộ có nhà sập, trong thời gian xây dựng lại, chính quyền địa phương đã bố trí nơi ăn ở, đồng thời đang xác định các khu vực tái định cư, hoặc bố trí đất ở xen ghép đảm bảo an toàn. Đồng thời, khẩn trương ổn định đời sống nhân dân, tổ chức vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất theo thời vụ.

Cần những giải pháp căn cơ

Căn cứ vào nhu cầu cấp thiết tại các địa phương và tình hình thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị một số giải pháp chính trước mắt. Trong đó, kiên quyết không để người dân thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, không có nơi ở; tổng hợp đề xuất hỗ trợ khẩn cấp, hướng dẫn thực hiện công tác khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, bảo đảm đủ cây, con giống để gieo và nuôi trồng phục hồi tái sản xuất theo đúng thời vụ. Bố trí lực lượng, phương tiện tiếp tục cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong mọi tình huống…

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất các giải pháp căn bản, lâu dài cho công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, cứu trợ, khắc phục hậu quả bão, lũ. Từ thực tiễn quá trình chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả đợt bão, mưa lũ vừa qua cần phải có những đánh giá vừa mang tình khẩn cấp trước mắt, vừa bảo đảm phù hợp lâu dài để rút ra một số bài học lớn, cốt lõi.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị đánh giá toàn diện diễn biến và ứng phó với các đợt thiên tai vừa qua, bài học kinh nghiệm và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng thời, có nghị quyết về công tác khắc phục hậu quả thiên tai để giải quyết một số vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đã bộc lộ sau đợt thiên tai vừa qua…

Theo Bộ NN&PTNT, Thiên tai dị thường liên tiếp ở miền Trung từ giữa tháng 9 đến trung tuần tháng 11 đã làm 1.531 ngôi nhà bị sập; 239.340 nhà bị hư hại, tốc mái và hơn 473.450 lượt nhà bị ngập nước.
Về nông nghiệp, hơn 49.930 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 25,6 triệu cây giống trong vườn ươm bị gẫy, chết; tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng là 149.000 ha; 42.700 con gia súc và hơn 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi.
Về giáo dục, y tế, 1.529 trường và 104 điểm trường bị ngập nước; nhiều thiết bị dạy học, sách vở, đồ dùng học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng; 459 cơ sở y tế bị ngập, gây hư hỏng và không còn hoặc giảm khả năng thu dung điều trị.
Về hạ tầng đề điều, thủy lợi, giao thông và điện lực, 165 km đê biển, cửa sông bị sạt lở; 45,9 km kè bị hư hỏng; 88 điểm bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài là 141 km; 745 km kênh mương thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 1.013 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3,5 triệu m3; 3.475 cột điện bị gãy đổ, 78 km dây điện bị đứt, 40 trạm biến thế bị hư hỏng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp căn cơ ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO