Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chất vấn: Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng có công với cách mạng và nhà ở đối với các hộ nghèo. Tuy nhiên, nhà ở đối với công nhân thì hiện nay đạt kết quả còn rất khiêm tốn. Đề nghị Chính phủ cho biết những chính sách và giải pháp mới hiệu quả để khắc phục tình trạng nêu trên…?
Trả lời chất vấn của Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và các hộ đô thị luôn được quan tâm và coi đây là trọng tâm trong chính sách phát triển nhà ở quốc gia.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cố gắng và thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, trong đó có khoảng 1,8 triệu m2 nhà ở cho các hộ nghèo đô thị và khoảng 2 triệu m2 cho nhà ở công nhân. Tuy đã có cố gắng nhiều, nhưng so với yêu cầu thì chúng ta đạt rất thấp. Hiện nay, tổng số đạt được khoảng 3,8 triệu m2 trên yêu cầu là 10 triệu m2, theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. “Như vậy, hiện nay cung - cầu cho nhà ở này chúng ta đang mất cân đối gay gắt và thiếu” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Để giải quyết được vấn đề này, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03 năm 2017 về một số giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở cho công nhân của khu công nghiệp và nhà ở đô thị. Bộ trưởng nói: “Chúng tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện tốt các bộ, ngành, địa phương và thực hiện tốt các chỉ thị với các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể trong chỉ thị này chắc là chúng ta sẽ có chuyển biến mới trong vấn đề đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp”.
Vấn đề thứ hai, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng thiết chế của công đoàn trong đó có nhà ở của công nhân khu công nghiệp do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện, nếu thực tốt sẽ có những chuyển động mới.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng có một giải pháp rất đột phá là chúng ta phải bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Nhà ở để bố trí, hỗ trợ cho những người mua nhà, vay để thuê mua nhà ở, trong đó có công nhân của các khu công nghiệp. Trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm vừa rồi, mặc dù Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhưng mới bố trí được chưa đầy 1200 tỷ cho nhu cầu này, trong khi đó nhu cầu thực tế khoảng 9 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói: “Hiện nay, các đối tượng mua nhà xã hội, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp cũng rất mong muốn có khoản này để hỗ trợ nâng cao khả năng thanh toán cho việc mua và thuê mua nhà ở của họ. Mong rằng Quốc hội quan tâm vấn đề này, Chính phủ đã dự kiến bố trí khoảng 2-3 nghìn tỷ xử lý vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn 5 năm”.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích thêm: Mấy câu hỏi của đại biểu Ngọ Duy Hiểu không nằm trong nghị quyết đã giám sát. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các Bộ trưởng và Phó Thủ tướng chú ý để có thể trả lời bằng văn bản.