Theo báo cáo, tình hình thực hiện các hoạt động đã và đang triển khai một cách toàn diện. Tại trng ương, trong năm 2019, Ban Quản lý dự án (BQLDA) VILG cấp Trung ương đã tổ chức các gói thầu tại hợp phần 1 và hợp phần 3 để phục vụ quản lý dự án như: Phần mềm kế toán; Thiết kế sơ bộ; Thuê tuyển tư vấn; Phần mềm Theo dõi và đánh giá dự án; Xây dựng dữ liệu nền; Tổ chức các khóa đào tạo.
Bộ TN&MT họp triển khai Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai |
Để phục vụ cho các hoạt động thường xuyên của Dự án, BQLDA VILG cấp Trung ương đã xây dựng và trình điều chỉnh kế hoạch theo hướng triển khai thực hiện các nội dung quản lý dự án và tăng cường cung cấp dịch vụ công. Bổ sung nội dung “Hội nghị truyền hình trực tuyến” để phục vụ yêu cầu họp trực tuyến và chuyển giao công nghệ giữa Bộ TN&MT với các Sở TN&MT thuộc dự án.
Về triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương, trong báo cáo khả thi đã phê duyệt là 294/340 huyện của 33 tỉnh, trong đó 189 huyện xây dựng mới CSDL đất đai, 105 huyện chuyển đổi CSDL đất đai. Căn cứ trên số liệu kế hoạch điều chỉnh các tỉnh đã gửi về, số liệu về các huyện xây dựng CSDL của 31 tỉnh là 286/326 huyện, trong đó: 175 huyện xây dựng mới CSDL đất đai, 111 huyện chuyển đổi CSDL đất đai…
Đối với việc triển khai thực hiện kế hoạch công nghệ thông tin, báo có cho biết: Dựa trên quyết định của Bộ trưởng, Ban QLDA VILG cấp TƯ đã cập nhật Kế hoạch CNTT (IT Plan) theo phương án triển khai giải pháp phần mềm quản lý đất đai do Viettel cung cấp (VBDLIS) và hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương thuộc dự án VILG để xây dựng, lưu trữ và vận hành dữ liệu đất đai trong thời gian chưa có phần mềm, hệ thống MPLIS, trong đó bao gồm cả giải pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai tại Trung ương và địa phương, tập trung triển khai thí điểm tại tỉnh Thái Nguyên.
Qua đánh giá bước đầu, theo nhận xét của Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên, phần mềm VBDLIS là một giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai dự án, đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý, vận hành, cập nhật CSDL đất đai thường xuyên, ngoài ra phần mềm còn cho phép liên thông với cơ quan thuế, kết nối tới hệ thống một cửa điện tử và đề nghị được triển khai phần mềm cho toàn tỉnh sau khi được Bộ TN&MT cho phép…
Sau khi nghe các ý kiến từ các thành viên của Ban QLDA VILG và bổ sung của Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cơ bản thống nhất với các kiến nghị của Ban QLDA VILG.
Về vấn đề do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên các công tác về lập, phê duyệt và triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai bị ảnh hưởng, Bộ trưởng đề nghị bên cạnh những lý do khách quan, Ban QLDA VILG cần rà soát lại các kế hoạch của Bộ TN&MT, lên phương án cho các tình huống xấu do dịch bệnh COVID-19 tạo nên để từ đó có phương án khắc phục và đưa ra lộ trình thực hiện, báo cáo Chính phủ, đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Đối với việc triển khai thực hiện kế hoạch công nghệ thông tin được triển khai thí điểm tại Thái Nguyên, Bộ trưởng đồng ý với phương án sau khi có báo cáo đánh giá kết quả triển khai tại Thái Nguyên đạt được kết quả khả quan sẽ cho phép triển khai hệ thống cho các tỉnh còn lại của Dự án. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần phải xây dựng cơ chế về khai thác, quản lý, sử dụng, vận hành để báo cáo Chính phủ.
Đồng thời, làm việc với đơn vị cung cấp phần mềm quản lý để từ đó xác định quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan. Bộ trưởng giao Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường giám sát và tham mưu tới lãnh đạo Bộ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ, phối hợp kịp thời các thủ tục liên quan đến các hoạt động của Dự án.