Bộ TN&MT giảm điều kiện đầu tư kinh doanh: Doanh nghiệp hưởng lợi

25/10/2017 00:00

(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa ban hành văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT về việc đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKĐTKD) thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Hợp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT).

Ông Lê Văn Hợp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT
Ông Lê Văn Hợp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT

PV: Thưa ông, Bộ TN&MT đã tổ chức rà soát lại các điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKĐTKD) thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ. Đến nay, công tác này đã thực hiện đến đâu?

Ông Lê Văn Hợp: Thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/8/2017 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2017, đồng thời, theo hướng dẫn và đề xuất của Bộ KH&ĐT tại Báo cáo số 6770/BC-BKHĐT ngày 18/8/2017, Bộ TN&MT đã tổ chức rà soát lại các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ. Kết quả rà soát cho thấy, ngành TN&MT có tổng số 18 ngành nghề ĐKĐTKD với 163 điều kiện đầu tư kinh doanh.

Bộ TN&MT đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét chuyển 1 ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, các chất lây nhiễm với 22 điều kiện đầu tư kinh doanh về 1 Bộ quản lý chuyên ngành để giảm bớt đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, kiến nghị bãi bỏ 36 điều kiện và sửa đổi 15 điều kiện đầu tư kinh doanh tại 18 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường (chiếm 44,78%).

PV: Ông có thể nói rõ hơn về các đề xuất, kiến nghị chuyển, bãi bỏ và sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh lần này?

Ông Lê Văn Hợp: Việc đề xuất chuyển ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, các chất lây nhiễm thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT với 22 điều kiện kinh doanh về Bộ quản lý chuyên ngành quản lý, vì tại Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 1/11/2009 của Chính phủ quy định về Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã quy định về điều kiện để được vận chuyển hàng nguy hiểm nói chung và giao cho các Bộ quản lý chuyên ngành quy định các điều kiện cụ thể theo lĩnh vực chuyên ngành; giao thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho Bộ quản lý chuyên ngành.

Thực hiện Nghị định nêu trên, Bộ TN&MT đã tham mưu trình Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm tại Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và quy định trình tự thực hiện thủ tục hành chính cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm tại Thông tư số 52/2013/TT-BTNMT ngày 27/12/2013. Như vậy, việc vận chuyển hàng nguy hiểm liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của nhiều Bộ, ngành: quản lý hóa chất, phòng chống cháy nổ, môi trường...

Để tránh chồng chéo chức năng quản lý của các Bộ, ngành và thống nhất quản lý Nhà nước về kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm; đồng thời, cũng giảm chi phí hành chính cho tổ chức, cá nhân khi phải thực hiện thủ tục hành chính về kinh doanh hàng nguy hiểm tại nhiều Bộ, ngành chỉ cần thực hiện tại một Bộ quản lý chuyên ngành về cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm; các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn… và sẽ tham gia trong quá trình cấp phép của Bộ chuyên ngành quản lý về cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

Ông Lê Văn Hợp cho biết: Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời, góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước về TN&MT bằng pháp luật
Ông Lê Văn Hợp (đứng) cho biết: Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời, góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước về TN&MT bằng pháp luật. Ảnh: Hoàng Minh

Về đề xuất bãi bỏ 36 điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó: lĩnh vực đất đai: 7 điều kiện; lĩnh vực môi trường 6 điều kiện; lĩnh vực địa chất và khoáng sản: 6 điều kiện; lĩnh vực tài nguyên nước: 15 điều kiện; lĩnh vực đo đạc và bản đồ: 1 điều kiện; lĩnh vực khí tượng thủy văn: 1 điều kiện.

Bộ TN&MT cũng đề xuất sửa đổi 15 điều kiện yêu cầu với cá nhân trong doanh nghiệp phải bảo đảm về điều kiện kinh nghiệm, thời gian công tác theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhiều cách lựa chọn để chứng minh cá nhân có đủ điều kiện về kinh nghiệm, chuyên môn.

Cụ thể: lĩnh vực đất đai: 2 điều kiện; lĩnh vực địa chất và khoáng sản: 1 điều kiện; lĩnh vực tài nguyên nước: 11 điều kiện; lĩnh vực khí tượng thủy văn: sửa đổi 1 điều kiện, tập trung chủ yếu bãi bỏ các điều kiện kinh doanh như: điều kiện yêu cầu cá nhân trong tổ chức, doanh nghiệp phải được đóng bảo hiểm; có hợp đồng lao đồng; có phương tiện bảo hộ lao động, sở hữu thiết bị, máy móc, thiết bị chuyên dùng; yêu cầu tổ chức có trụ sở, đủ diện tích đặc thù; yêu cầu phải có số lượng người có trình độ tối thiểu trong tổ chức, doanh nghiệp để đảm nhiệm vị trí công tác;,,đặc biệt bãi bỏ điều kiện liên quan đến giấy phép con như: chứng chỉ xử lý chất thải nguy hại…

Để thực hiện và triển khai vào thực tiễn các đề xuất trên, Bộ TN&MT kiến nghị sửa đổi 1 Luật (Luật Khoáng sản) và 12 Nghị định của Chính phủ trong thời gian tới.

PV: Để có thể phục vụ tốt hơn với các cá nhân và doanh nghiệp, sắp tới, Bộ có tiếp tục rà soát và đẩy mạnh cải cách hành chính như thế nào thưa ông?

Ông Lê Văn Hợp: Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị trong thời gian tới, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tiến hành đồng bộ các giải pháp như: nghiên cứu chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước của ngành; tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thực sự không cần thiết, còn gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; nghiên cứu, liên thông một số công đoạn trong thực hiện thủ tục hành chính một số lĩnh vực như giữa phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường với việc cấp giấy phép nhận chìm, giao khu vực biển; giữa phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường với việc cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; hay giữa xác nhận công trình bảo vệ môi trường với cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước…

Song song với các nhiệm vụ này, Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời, góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước về TN&MT bằng pháp luật.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Hùng (thực hiện)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT giảm điều kiện đầu tư kinh doanh: Doanh nghiệp hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO