Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam để chỉ đạo các chủ hồ thực hiện vận hành hồ theo phương án nêu trên để bảo đảm cấp nước an toàn cho Thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, chỉ đạo Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng và các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thành việc nâng công suất lấy nước từ đập dâng An Trạch về Cầu Đỏ nhằm bảo đảm cấp nước bền vững, an toàn cho Thành phố Đà Nẵng (kể cả trong trường hợp nguồn nước tại Cầu Đỏ thường xuyên bị mặn trên 1000mg/l), tránh lặp lại tình trạng thiếu nước cấp cho người dân như thời gian vừa qua, nhất là trong điều kiện nguồn nước tại Cầu Đỏ có nguy cơ thường xuyên bị nhiễm mặn và còn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn mà năng lực của hệ thống hồ chứa trên lưu vực không có khả năng đẩy mặn thường xuyên.
Công văn cũng nêu rõ: Ngày 21 tháng 8 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được Văn bản số 5660/UBND-STNMT của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc điều hành vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Sau khi nghiên cứu phương án đề xuất huy động các hồ xả nước cấp cho hạ du của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở tình hình nguồn nước các hồ chứa trên lưu vực hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Mặc dù hiện nay đã gần cuối mùa cạn, chuẩn bị chuyển sang mùa lũ, nhưng theo dự báo, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có khả năng tình trạng hạn hán, thiếu nước còn có thể kéo dài đến nửa đầu tháng 9. Trong khi đó, lượng nước còn lại của các hồ chứa trên lưu vực không đáng kể: hồ Đắk Mi 4 chỉ còn khoảng 23 triệu m3, hồ A Vương chỉ còn khoảng 16 triệu m3, hồ Sông Tranh 2 đã xấp xỉ mực nước chết, hồ Sông Bung 4 dưới mực nước chết khoảng 1,4m. Đồng thời, dòng chảy đến các hồ cũng rất nhỏ, không đáng kể.
Với tình trạng nhiễm mặn tại Cầu Đỏ, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân ở Thành phố Đà Nẵng như hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc điều chỉnh chế độ vận hành để điều tiết nguồn nước của các hồ chứa như đề xuất của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, với thực tế nguồn nước còn lại của các hồ như nêu trên (chỉ còn khoảng 40 triệu m3) và trong điều kiện có khả năng nửa đầu tháng 9 năm 2019 vẫn không có mưa trên lưu vực, nếu huy động tổng lưu lượng xả của các hồ quá lớn, thường xuyên (95 m3/s trở lên) thì chỉ trong vòng khoảng 6-8 ngày các hồ sẽ hết nước. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị để bảo đảm cấp nước an toàn cho Thành phố Đà Nẵng, cần triệt để tiết kiệm nguồn nước còn lại của các hồ và khai thác tối đa nguồn nước từ đập An Trạch. Trước mắt, với điều kiện như hiện nay, hàng ngày các hồ vận hành điều tiết để bổ sung nguồn nước thiếu hụt cho phù hợp (do Trạm bơm An Trạch chưa cung cấp đủ), cụ thể như sau:
Nếu độ mặn tại cửa lấy nước Cầu Đỏ vượt ngưỡng 1.000mg/l: hồ Đắk Mi 4 vận hành xả nước liên tục về hạ du sông Vu Gia (không qua phát điện) với lưu lượng 25 m3/s; hồ A Vương vận hành xả nước liên tục, bảo đảm lưu lượng trung bình ngày khoảng 50-70 m3/s. Trong quá trình vận hành phải theo dõi chặt chẽ, cập nhật thường xuyên độ mặn tại cửa lấy nước Cầu Đỏ, nếu độ mặn xuống dưới ngưỡng 1.000 mg/l thì các hồ phải kịp thời điều chỉnh giảm lưu lượng xả cho phù hợp, tránh lãng phí nguồn nước xả từ các hồ (xả khoảng 75-95 m3/s nhưng Nhà máy nước Cầu Đỏ cũng chỉ khai thác tối đa được khoảng 3-4 m3/s). Đối với hồ sông Bung 4, tạm thời ngừng phát điện để tích nước. Trường hợp hồ A Vương, không còn khả năng vận hành xả nước, thì xem xét bổ sung nguồn nước từ hồ Sông Bung 4 cho phù hợp.