Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam - Bộ Môi trường Hàn Quốc: Hợp tác toàn diện trong lĩnh vực môi trường
Ngày 1/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT Việt Nam đã có buổi hội đàm với Bộ Môi trường Hàn Quốc do Bộ trưởng Han Whajin làm trưởng đoàn. Tham dự buổi Hội đàm có ông Choi Youngsam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam.
Hợp tác toàn diện vì sự phát triển bền vững
Tại Hội đàm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chào mừng bà Bộ trưởng Han Whajin cùng với ngài Đại sứ Choi Youngsam và các đồng nghiệp thăm và làm việc tại Bộ TN&MT.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong những năm qua, Bộ Môi trường Hàn Quốc luôn là đối tác chiến lược quan trọng của Bộ TN&MT Việt Nam. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những nỗ lực và kết quả hợp tác toàn diện giữa hai Bộ và hoàn toàn tin tưởng hợp tác giữa hai cơ quan trong giai đoạn tới đây, đặc biệt khi Việt Nam và Hàn Quốc vừa kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Với bề dày truyền thống hợp tác giữa hai Bộ trong các lĩnh vực về môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, rác thải nhựa đại dương, phát triển nền kinh tế tuần hoàn,… Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn bà Bộ trưởng Han Whajin tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực môi trường giữa hai nước vì sự phát triển bền vững; nâng cao tầm quan trọng của việc bảo tồn và cải thiện môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Phát biểu tại Hội đàm, Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc, Han Whajin cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Việt Nam cũng như cá nhân của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh. Trao đổi với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Han Whajin chia sẻ, trong tháng 6/2022, Hàn Quốc và Việt Nam đã cùng thông qua Kế hoạch hành động nhằm thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, qua đó hai bên nhất trí sẽ tiến tới đẩy mạnh hơn nữa hợp tác vì sự phát triển bền vững giữa hai quốc gia.
Bà Han Whajin khẳng định, Hàn Quốc và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau kể từ cuộc hội đàm thường niên cấp Bộ trưởng được tổ chức lần đầu vào năm 2000. Kể từ cuộc Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 14 tổ chức vào năm 2018, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sau 5 năm, hai bên mới có dịp tổ chức lại Hội đàm. Do vậy Bộ trưởng Han Whajin cho rằng cuộc gặp này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Han Whajin, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian vừa qua thông qua các Bản ghi nhớ về môi trường, biến đổi khí hậu đã và đang mang lại nhiều cơ hội và cũng kỳ vọng những hợp tác này sẽ tiếp tục được nhân rộng tới tất cả những lĩnh vực liên quan do hai Bộ cùng phụ trách.
Mở rộng hợp tác trong các dự án giảm phát thải toàn cầu
Trao đổi trong lĩnh vực hợp tác về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Han Whajin cho biết, Hàn Quốc đã tuyên bố mục tiêu tiến đến trung hòa carbon vào năm 2050 và đặt mục tiêu quốc gia tự đóng góp (NDC) đến 2030 là giảm 40% lượng khí nhà kính so với năm 2018, và hiện đang không ngừng nỗ lực hướng đến mục tiêu này. Hàn Quốc cũng biết rằng Việt Nam cũng đang nỗ lực để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Do đó, Bộ trưởng Han Whajin hy vọng cả Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục cùng nhau nỗ lực trên nhiều phương diện để cắt giảm lượng khí thải carbon thông qua việc mở rộng hợp tác trong các dự án giảm phát thải toàn cầu.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Han Whajin mong muốn Việt Nam dành nhiều sự quan tâm và phối hợp trong tương lai về các dự án như Dự án đốt rác thải và phát điện, chuyển đổi nhiên liệu sinh học… Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang mở rộng chương trình ODA xanh nhằm hợp tác toàn cầu về ứng phó chung trong vấn đề biến đổi khí hậu. Hàn Quốc cũng đang xúc tiến mạnh mẽ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ chuyển đổi xanh và cắt giảm khí nhà kính tại các quốc gia nhận viện trợ. Bộ trưởng Han Whajin hi vọng rằng, các dự án hợp tác ODA xanh trong các lĩnh vực như quản lý chất lượng nước, quản lý không khí, quản lý chất thải và các dự án liên quan đến chuyển động xanh Green Mobility sẽ được triển khai một cách suôn sẻ và hiệu quả.
Về nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh hoan nghênh và đánh giá cao chương trình ODA của Hàn Quốc. Bộ trưởng cho rằng, sau khi Việt Nam cam kết mạnh mẽ và có những hành động thiết thực để thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thì chương trình ODA xanh của Hàn Quốc sẽ hỗ trợ rất tốt cho Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26, do đó Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT Việt Nam sẽ phối hợp với phía Hàn Quốc để cùng nhau hướng đến những chương trình hợp tác cụ thể nhằm đạt được các kết quả kỳ vọng.
Ngoài ra, trao đổi thêm với Bộ trưởng Han Whajin, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam đã đề xuất đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G năm 2025 và đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia tham gia P4G. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn Hàn Quốc với kinh nghiệm tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ hai năm 2021 sẽ hỗ trợ để Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư vào năm 2025.
Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định về EPR
Về nội dung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, EPR đã được Việt Nam áp dụng từ năm 2005, tuy nhiên, các quy định chỉ mang tính tự nguyện. Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định EPR là bắt buộc đối với nhà sản xuất, nhập khẩu, theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải tái chế sản phẩm, bao bì do mình đưa ra thị trường theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.
Tuy nhiên, các quy định về EPR bắt buộc ở Việt Nam còn tương đối mới, hiện nay Bộ TN&MT đang khẩn trương hoàn thiện các quy định để thực thi EPR ở Việt Nam. Do đó, Bộ TN&MT Việt Nam đề nghị Bộ Môi trường Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định về EPR, cụ thể như sau: Hỗ trợ chuyên gia tư vấn thực thi EPR; Hỗ trợ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu giám sát thực thi EPR; Hợp tác và trao đổi kinh nghiệm thực thi EPR giữa Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia (Bộ TN&MT Việt Nam) và Cơ quan môi trường Hàn Quốc (KECO), Cơ quan Tuần hoàn tài nguyên Hàn Quốc (KORA).
Về nội dung này, Bộ trưởng Han Whajin cho biết sẽ cử các chuyên gia của Hàn Quốc hỗ trợ và đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.
Hợp tác về đa dạng sinh học có ý nghĩa đối với thế hệ tương lai
Trong lĩnh vực hợp tác về đa dạng sinh học, Bộ trưởng Han Whajin cho biết, theo đề xuất nghiên cứu chung về tài nguyên sinh học, hiện hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đang cùng xúc tiến xuất bản và đăng kí sáng chế đối với toàn bộ các kết quả nghiên cứu thu được từ dự án Nghiên cứu chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu theo Nghị định thư Nagoya. Bộ trưởng Han Whajin cho rằng việc khai thác nguồn tài nguyên sinh học hữu ích đầy tiềm năng của Việt Nam dựa trên những kiểm chứng mang tính khoa học sẽ là một đề tài chung giàu ý nghĩa đối với thế hệ tương lai.
Bộ trưởng Han Whajin mong muốn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác nghiên cứu về tài nguyên sinh học thông qua các doanh nghiệp công nghệ sinh học của hai nước, từ đó thúc đẩy phát triển hơn nữa nguồn tài nguyên sinh học tiềm năng. Với mong muốn phát triển thêm nhiều các thành tựu hợp tác xuất sắc giữa hai nước, nhân dịp Hội đàm ngày hôm nay, Bộ trưởng Han Whajin bày tỏ sự kì vọng lớn vào việc tái ký bản MOU giữa Viện Tài nguyên sinh vật quốc gia Hàn Quốc và Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Về nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, một trong những khuôn khổ hợp tác đã được thực hiện trong thời gian vừa qua giữa hai Bộ mà Bộ TN&MT đánh giá là đã triển khai được các hoạt động hiệu quả, chính là Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Tài nguyên sinh vật và Tổng cục Môi trường (trước đây), nay là Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học.
Biên bản ghi nhớ được ký kết lần đầu vào năm 2015, và được gia hạn đến hết tháng 10/2024. Biên bản ghi nhớ nhằm cung cấp khung cơ bản cho hợp tác song phương vì lợi ích chung trong lĩnh vực sử dụng và bảo tồn đa dạng sinh học. Mục tiêu của Biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập các điều kiện về sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống, cũng như việc chia sẻ lợi ích từ tiếp cận nguồn gen theo quy định của Công ước Đa dạng sinh học.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẩn trương làm việc với Viện Tài nguyên sinh vật quốc gia Hàn Quốc để thống nhất về nội dung Biên bản ghi nhớ và tiến hành các thủ tục ký kết theo quy định để hai bên có thể sớm ký kết.
Quản lý tài nguyên nước trên nền tảng số và phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm
Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, có thể thấy, nước là một trong những tài nguyên quý giá, quan trọng nhất trên trái đất mà con người hay bất kỳ sinh vật nào cũng cần đến, không có nước sẽ không có sự sống. Cũng chính vì thế mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý tài nguyên nước, không chỉ bằng chủ trương mà bằng cả hệ thống pháp luật và chính sách Nhà nước như: Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Tài nguyên nước năm 2012, và sắp tới đây là Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự kiến ban hành vào tháng 11/2023, có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024.
Trao đổi với Bộ trưởng Han Whajin, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong giai đoạn xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Việt Nam đã có cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với KEITI, K-Water để học tập những thực tiễn tốt về quản lý tài nguyên nước tại Hàn Quốc. Trong đó, đặc biệt ấn tượng với dự án Phục hồi 4 dòng sông lớn và hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tổng hợp của Hàn Quốc; bởi sắp tới đây, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ đặc biệt chú trọng vào công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên nền tảng số và phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm và cạn kiệt.
Trao đổi với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Han Whajin cho biết bà được các chuyên gia thông tin Việt Nam là một quốc gia có tài nguyên nước đa dạng, với việc Bộ TN&MT đang trình Quốc hội về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Hàn Quốc sẵn sàng cử những cán bộ, chuyên gia tốt nhất cả về kỹ thuật, chính sách để hỗ trợ Việt Nam có thể quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên nền tảng số và phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm và cạn kiệt.
Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thời đại
Trao đổi nội dung hợp tác về kinh tế tuần hoàn, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, kinh tế tuần hoàn đang được xem là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Nhận thức được ý nghĩa của việc phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đã ban hành những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật để thúc đẩy xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, để cụ thể hóa nhiệm vụ được giao về xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo phù hợp với thông lệ chung của quốc tế…
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai các chính sách, Quy định pháp luật để thực hiện kinh tế tuần hoàn, nhất là quản lý chất thải. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, việc thúc đẩy hợp tác để đưa kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn ở Việt Nam là hết sức phù hợp, có ý nghĩa.
Đồng thời mong muốn Hàn Quốc hỗ trợ việc xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất hoặc xem xét công nhận kỹ thuật hiện có tốt nhất đã được áp dụng tại Nhóm các nước công nghiệp phát triển được phép áp dụng tại Việt Nam; rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục kỹ thuật hiện có tốt nhất bảo đảm sự phù hợp với thực tế và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ; hướng dẫn áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với từng loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Về nội dung này, Bộ trưởng Han Whajin cho biết Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam tốt nhất cả về chuyên gia, khoa học công nghệ cũng như kinh nghiệm thực tiễn để hai bên cùng chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, Bộ trưởng Han Whajin cũng tán thành với ý kiến của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: hai Bộ sẽ là cầu nối để doanh nghiệp hai quốc gia có thêm sự hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này.
Cũng tại buổi Hội đàm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Han Whajin Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc. Hai Bộ trưởng nhận định rằng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở thời điểm tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Trên cơ sở nền tảng vững chắc và những thành quả đạt được trong quan hệ hai nước thời gian qua, việc Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực môi trường giữa hai Bộ sẽ là động lực mới cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc; Cụ thể hóa và triển khai sự hợp tác bằng chương trình cụ thể và đạt được những thành tựu rực rỡ trong thời gian tới.