Bộ Giao thông vận tải cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng về tổng thể, ngành giao thông vận tải tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vận tải với chất lượng ngày được cải thiện. Trong quý I, tổng khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 1,1% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng chậm trong 10 năm gần đây do các chuyên ngành đều bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh minh họa |
Ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19, các hãng hàng không gần như dừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế và nội địa. Thống kê cho thấy, từ 1/4 đến nay, lượng hành khách vận chuyển chỉ bằng 1-2% so với thời điểm trước khi có dịch.
Theo Bộ Giao thông vận tải, ngành hàng không đang diễn ra theo tình huống xấu hơn các kịch bản đã dự báo với tổng thị trường năm 2020 đạt khoảng 43 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, đối với đường bộ, vận tải hàng hóa, doanh thu đều giảm mạnh từ khoảng 40% - 80% so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch. Từ tháng 4/2020, hoạt động vận tải hành khách gần như dừng toàn bộ, vận tải hàng hóa giảm trên 40% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tuy chưa có con số thiệt hại cụ thể nhưng do phương tiện vận tải khách dừng hoạt động, vận tải hàng hóa hoạt động cầm chừng, phương tiện cá nhân hoạt động hạn chế; dẫn đến doanh thu thu phí BOT sụt giảm so với cùng kỳ Quý I/2019.
Trong khi đó, đường sắt giảm sản lượng tấn/km gần 15% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu vận tải giảm trên 14% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong lĩnh vực đường thủy nội địa, tuy doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn hoạt động, tuy nhiên sản lượng vận tải có giảm so với cùng kỳ.
Với mục tiêu tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics; không thanh tra ngoài kế hoạch; rà soát, ban hành giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí và gửi về Bộ Tài chính; không điều chỉnh tăng giá trong đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp.
Đồng thời, tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đã cắt giảm, đơn giản hóa 336 điều kiện.
Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics; không thanh tra ngoài kế hoạch; phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, đề xuất giãn, giảm phí, lệ phí cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý II năm 2020.
Đặc biệt là tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Căn cứ chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và tình hình thực tế diễn biến dịch Covid-19 có phương án từng bước bình thường hoạt động vận tải bảo đảm vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét đề xuất giải pháp cho vay hỗ trợ lãi suất; giãn, lùi thời gian trả lãi, nợ gốc cho doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét đề xuất giải pháp cho phép doanh nghiệp ngành GTVT bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được giãn thời gian đóng các loại thuế, phí như thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế thuê đất. Giãn tiền bảo hiểm như bảo hiểm thất nghiệp, hiểm xã hội, y tế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.