Sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng
Với bờ biển đẹp dài 192km, Bình Thuận đang được mệnh danh là thủ đô resort của cả nước. Do đó, ngành du lịch biển cũng đang đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do BĐKH gia tăng đã làm cho tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, có nhiều khu vực sạt lở hàng chục ngàn mét, biển xâm thực vào đất liền hàng ngàn mét, tàn phá nhà cửa và đe dọa tính mạng của nhiều hộ dân ven biển và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Theo thống kê của Sở TN&MT Bình Thuận, từ đầu năm 2018 đến nay, tại huyện Tuy Phong đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ biển rất nghiêm trọng tại thị trấn Liên Hương với chiều dài hơn 3.000m, biển xâm thực vào đất liền từ 30 - 80m làm sập hoàn toàn 29 căn nhà, đe dọa hàng trăm căn nhà khác của các hộ dân. Tại thành phố Phan Thiết, sạt lở đã xảy ra ở hầu hết các xã, phường ven biển. Trong đó, khu vực sạt lở bờ biển nặng nhất là ở khu phố 2 và 3, phường Hàm Tiến; khu phố 5, phường Đức Long và xã Tiến Thành, chiều dài bờ biển bị sạt lở hơn 2.000m, biển xâm thực sâu vào đất liền khoảng 10 - 30m.
Còn tại thị xã La Gi, trên tuyến bờ biển phường Phước Lộc, xã Tân Phước bị sạt lở hơn 1.200m, biển xâm thực vào đầt liền từ 80 - 200m; tuyến Cam Bình - xã Tân Phước triều cường làm sạt lở sâu vào đất liền chiều dài hơn 1.000m; tuyến bờ biển Tam Tân, xã Tân Tiến sạt lở khoảng 1.200m. Đến thời điểm hiện nay, có 10 căn nhà bị sập hoàn toàn và 100 căn nhà có nguy cơ bị hư hỏng do triều cƣờng gây ra. Tại huyện Hàm Thuận Nam, tình hình xâm thực vẫn tiếp diễn với cường độ ngày càng mạnh có nơi bờ biển bị xâm thực với chiều sâu khoảng 50 m uy hiếp trực tiếp đến khu dân cư, đồng muối, khu nuôi tôm...
Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển
Để kịp thời đáp ứng được yêu cầu về quản lý Nhà nước, đảm bảo việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vùng bờ theo hướng hiệu quả, bền vững, đồng thời giải quyết và đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án lớn đang triển khai tại các khu vực ven biển của tỉnh theo quy định, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chi tiết các nội dung thực hiện dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển”. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên phạm vi toàn tỉnh Bình Thuận.
Theo Sở TN&MT Bình Thuận, nhằm thực hiện hiệu quả dự án, Sở TN&MT đã ký hợp đồng liên danh với Công ty CP Quốc Thái An, Trung tâm Trắc địa Bản đồ biển, Viện Kỹ thuật Công trình để thực hiện dự án Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận. Hiện tại, các sản phẩm của dự án cơ bản đã hoàn thành, gồm: 12 báo cáo chuyên đề và 04 bản đồ, như: bản đồ trường sóng, bản đồ 2 hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ, bản đồ khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, bản đồ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm. Tất cả các hạng mục của dự án đều đã được Đơn vị Tư vấn giám sát thẩm định và nghiệm thu.
Đến nay, dự án đã đưa vào danh mục 53 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển ở tỉnh Bình Thuận. Trong đó, phần đất liền có 50 khu vực, tổng chiều dài hành lang bảo vệ bờ biển là trên 113km, gồm: thành phố Phan Thiết có 10 khu vực, tổng chiều dài thiết lập hành lang trên 23km; huyện Hàm Thuận Nam có 08 khu vực, tổng chiều dài trên 12km; thị xã La Gi có có 08 khu vực, tổng chiều dài gần 20km;… Hiện nay, Sở TN&MT Bình Thuận đã hoàn thành việc lấy ý kiến của các Sở, ngành, địa phương và đang tiến hành hoàn thành việc bổ sung, điều chỉnh dự thảo để trình thẩm định phê duyệt để cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển.