Biển đảo

Quảng Nam: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên biển

Lan Anh 17/06/2024 - 20:10

Tại Quảng Nam, hơn 125km đường bờ biển đang được địa phương khai thác hợp lý, bền vững để phát triển các hoạt động kinh tế biển và vùng ven biển, góp phần xóa đói giảm nghèo.

PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với bà Lê Thủy Trinh – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam về những giải pháp của địa phương nhằm khai thác bền vững tài nguyên biển:

h1.jpg
Bà Lê Thủy Trinh – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam

PV: Thưa bà, Quảng Nam có những lợi thế như thế nào về tài nguyên biển để phát triển kinh tế?

Bà Lê Thủy Trinh: Quảng Nam được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn hơn 40 ngàn km2, hình thành nhiều ngư trường với nguồn lợi hải sản phong phú là tiềm năng to lớn để phát triển nghề khai thác thuỷ sản.

Quảng Nam còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, với các hệ sinh thái đặc thù bao gồm nhiều quần thể như san hô, các loài hải sản đa dạng, phong phú quý hiếm có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Quảng Nam được biết đến với 2 di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, với nhiều danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc cổ lâu đời có giá trị, đây cũng là một trong những lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch, văn hoá, lịch sử, biển đảo và sinh thái; các di sản văn hóa gắn kết với tài nguyên du lịch biển trong tổng thể Trung tâm du lịch miền Trung.

Năm 2003, Quảng Nam trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ TN&MT chọn thí điểm áp dụng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ bằng nguồn ngân sách nhà nước, triển khai tập trung tại TP.Hội An và Núi Thành.

Hiện tại, cùng với Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang hoạt động hiệu quả, các khu vực rạn san hô Tam Hải, rừng dừa nước Tịch Tây (Tam Nghĩa), rạn Bà Đậu Tam Tiến (cùng thuộc Núi Thành); rạn Kỳ Trân Bình Hải (Thăng Bình); cồn rong Duy Hải, bãi giống thủy sản Hồng Triều Duy Nghĩa, rừng dừa nước Trà Nhiêu Duy Vinh (cùng thuộc Duy Xuyên); khu rừng dừa nước Cẩm Thanh, bãi giống thủy sản Cẩm Kim (Hội An) đang được chính quyền địa phương quan tâm. Diện tích bảo tồn biển trên địa bàn Quảng Nam đã lên hơn 550 km2.

h2.jpg
Độc đáo hệ sinh thái biển ở Cù Lao Chàm

PV: Những tiềm năng, lợi thế này đã được Quảng Nam tận dụng, khai thác như thế nào để góp phần phát triển kinh tế địa phương, thưa bà?

Bà Lê Thủy Trinh: Xác định tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam đã chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển như: lập quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển mạng lưới giao thông ven biển, đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển; nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản, đào tạo ngành nghề cho người dân các khu vực ven biển…

Đến nay, các khu, cụm công nghiệp ở 6 địa phương ven biển, được tỉnh quan tâm đầu tư cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thực hiện theo hướng ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, hạn chế các dự án sản xuất gia công, không chấp thuận đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chủ trương của tỉnh là các khu công nghiệp mới khuyến khích đầu tư theo mô hình sinh thái, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại.

Về kết cấu hạ tầng giao thông ven biển của tỉnh trong thời gian qua phát triển khá toàn diện, một số công trình trọng điểm hoàn thành đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho Quảng Nam. Nhiều công trình giao thông lớn, mang tầm chiến lược, kết nối liên vùng, liên huyện được hoàn thiện đã kết nối liên hoàn từ thành thị đến nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung.

h3.jpg
Ngư dân Quảng Nam khai thác rong mơ đi đôi với việc bảo vệ nguồn lợi tài nguyên này

Trong đó, Khu kinh tế mở Chu Lai được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, sân bay Chu Lai được quy hoạch theo tiêu chuẩn 4F, Cảng biển Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là cảng biển loại I, các Khu bến Kỳ Hà và Tam Hiệp đang được đầu tư mở rộng nhằm đảm bảo tiếp nhận các tàu vận tải có trọng tải lớn… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân khu vực ven biển của tỉnh.

PV: Kinh tế biển lànguồn lực chính trong quy hoạch của tỉnh Quảng Nam. Thời gian tới, địa phương sẽ có những giải pháp như thế nào để khai thác kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên biển, thưa bà?

Bà Lê Thủy Trinh: Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, thế mạnh, tiềm năng để tạo động lực phát triển kinh tế biển của tỉnh, việc phát triển “kinh tế biển xanh” cũng đặt ra nhiều bài toán khó khăn, thách thức cho chính quyền tỉnh Quảng Nam. Đó là thực trạng phát triển các khu, cụm công nghiệp, các dự án, khu du lịch dọc theo tuyến ven biển; việc khai thác nguồn lợi thủy sản quá mức, sử dụng các công cụ đánh bắt hủy diệt có nguy cơ làm cạn kiệt các loài thuỷ sinh hay tình trạng khai thác, chặt phá rừng phòng hộ lấy đất sản xuất của người dân tác động đến việc phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH cũng tác động đến hệ sinh thái biển….

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo của tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển trong lành, hài hòa với thiên nhiên. Do đó, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường biển được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh thời gian tới.

Trước mắt, tỉnh Quảng Nam chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch gắn với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 một cách đồng bộ tạo đòn bẩy mới cho khu vực ven biển phát triển bền vững.

Tập trung huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế vùng Đông theo hướng dịch vụ du lịch - công nghiệp - kinh tế biển - nông nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy phát triển cho cả tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, đáp ứng yêu cầu vươn xa để đánh bắt, khai thác hải sản và mua sắm các trang bị, phương tiện cần thiết nhằm phục vụ thông tin, liên lạc kịp thời để tránh bão.

h4.jpg
Ngư dân Quảng Nam đưa rác về bờ sau mỗi chuyến ra khơi để bảo vệ môi trường biển

Thực hiện hiệu quả Chiến lược khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 03/4/2023 của Chính phủ. Đồng thời, triển khai các chương trình, kế hoạch bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý, bền vững các hệ sinh thái của tỉnh, như: Hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, hệ sinh thái rạn san hô xã Tam Hải, Tam Tiến. Hình thành các khu bảo tồn mới: Khu bảo tồn biển Tam Hải; Khu bảo tồn đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn... Đây là định hướng phù hợp, sát với thực tế khi tài nguyên biển 2 khu vực này đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO