Bình Giang (Hải Dương): Cơ sở tái chế bao bì trái phép “vô tư” hoạt động?

Bài và Ảnh: Kiên Cường| 15/09/2019 11:59

(TN&MT) – Mặc dù đã có Văn bản của UBND huyện về việc dừng sản xuất, nhưng cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm môi trường của bà Nguyễn Thị Tạo, thôn Đa Loan, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang (Hải Dương) vẫn “vô tư” hoạt động ngày đếm, khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi: Trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu khi để một cơ sở tái chế coi thường pháp luật như vậy?  

2 1 1


Dân sống chung ô nhiễm

Nhận được thông tin phản ánh người dân ở gần cơ sở tái chế bao bì của bà Nguyễn Thị Tạo, thôn Đa Loan, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang (Hải Dương) về việc: Cơ sở này không chấp hành Luật bảo vệ môi trường xả thải thẳng ra kênh Bắc Hưng Hải, gây tiếng ồn, bụi bặm. Mặc dù đã bị chính quyền địa phương ra văn bản yêu cầu dừng sản xuất, nhưng sau đó vẫn ngáng nhiên hoạt động. Hơn thế nữa, hiện cơ sở của bà Nguyễn Thị Tạo ngày càng hoạt động nhiều hơn về thời gian, công suất khiến các hộ dân bức xúc.

 Phóng viên Báo TN&MT đã về thôn Đa Loan khi “mục sở thị” thấy được phản ánh của người dân hoàn toàn đúng sự thật. Cở sở tái chế bao bì của bà Nguyễn Thị Tạo không dừng hoạt động như những yêu cầu tại Văn bản (tháng 3/2018) của UBND huyện Bình Giang. Lượng hang hóa là nhựa thải loại và xe chuyên chở hàng ra vào cơ sở rầm rộ hơn, tấp nập hơn, máy móc sản xuất chạy ầm ầm, bụi bặm bay mù mịt, nước thải trong quá trình sản xuất vẫn đổ thẳng ra kênh thủy nông Bắc Hưng Hải.

Theo ông N.V.Q (người dân xin được giấu tên thôn Sồi Tó, xã Thái Học) nhà gần cơ sở tái chế bao bì của bà Nguyễn Thị Tạo, phản ánh: “Từ năm 2018 đến nay, chưa ngày nào cơ sở tái chế bao bì này dừng sản xuất, việc sản xuất  “tạm bợ” xử lý nước thải, nhà xưởng không có mái che chắn, nhiều hộ dân xung quanh hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm. Nước thải từ việc giặt bao, tái chế bao bì đen đặc chảy ra kênh có mùi hôi thối nồng nặc, bụi bặm bay vào đầy các nhà xung quanh, khiến các gia đình thường xuyên “cửa đóng then cài”. Tiếng máy móc chạy ầm ầm đến tận đêm khuya, ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt, khổ nhất là những nhà có con đang đi học, tối đến chúng không thể học bài vì tiếng ồn, phải đến nhà bạn học nhờ.”

khong mai che
Cơ sở sản xuất, bao bì  hà xưởng không có mái che khiến ô nhiễm 

Nhiều năm qua, nhiều hộ gia đình chúng tôi ở thôn Sồi Tó, xã Thái Học và thôn Đa Loan, xã Nhân Quyền đã thường xuyên kiến nghị chính quyền xã, xã trả lời sẽ đề nghị với huyện Bình Giang xử lý, nhưng cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm môi trường này vẫn “vô tư” hoạt động – bà N.T.G (thôn Đa Loan) ý kiến: “Trong năm 2018, người dân chúng tôi thấy ngành tài nguyên & môi trường huyện Bình Giang, Cảnh sát môi trường, chính quyền xã Nhân Quyền đến kiểm tra, xử lý và yêu cầu cơ sở tái chế bao bì của bà Nguyễn Thị Tạo dừng hoạt động, nhưng đến khi các đoàn vừa đi khỏi, thì cơ sở này lại hoạt động bình thường, như chưa hề có gì xảy ra. Mặc dù, người dân bức xúc về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ nước thải, khói, bụi… nhưng cơ sở không ngày nào dừng hoạt động và chẳng thấy bóng dáng của chính quyền, ngành quản lý tài nguyên & môi trường quay lại, cứ để cơ sở hoạt động “hành” dân. Dư luận đang đặt câu hỏi: Có phải cơ sở tái chế bao bì, đang có sự bao che, làm ngơ của chính quyền địa phương, ngành tài nguyên & môi trường huyện để cơ sở vừa xây dựng trái phép, lại đang hủy hoại môi trường “vô tư” hoạt động lại không được xử lý triệt để?”

Không chỉ có phản ánh của người dân, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải ngày 26/11/2018 cũng đã có Văn bản số 543/CV – BHH- ĐHHT gửi chính quyền và ngành tài nguyên & môi trường huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương yêu cầu kiểm tra, xử lý và đóng cửa cơ sở của bà Nguyễn Thị Tạo, vì có hành vi xả thải trực tiếp ra kênh Bắc Hưng Hải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Dừng hoạt động chỉ “nằm” trên giấy

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết: Ngày 20/3/2018, UBND huyện Bình Giang đã có Văn bản số 106/UBND – TNMT, về việc yêu cầu dừng hoạt động của hộ tái chế nhựa. Trong đó, UBND huyện Bình Giang yêu cầu: “… Công an huyện, phòng Tài nguyên & Môi trường, phòng Tài chính – Kế hoạch: Căn cứ hành vi, vi phạm đã được lập đối với bà Nguyễn Thị Tạo, các cơ quan chuyên môn tham mưu cụ thể cho UBND huyện, các biện pháp xử lý đối với những hành vi, vi phạm trong quản lý đất đai, quản lý bảo vệ môi trường và các hình thức kinh doanh theo Giấy đăng ký kinh doanh hiện hành của bà Nguyễn Thị Tạo.

Giao UBND xã Nhân Quyền: Rà soát lại hồ sơ, nguồn gốc, mục đích sử dụng đất gia đình bà Nguyễn Thị Tạo đang sử dụng để sản xuất tái chế phế liệu. Trường hợp, gia đình sử dụng trái mục đích diện tích đất cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi, vi phạm đúng quy định. UBND xã Nhân Quyền chỉ đạo cán bộ chuyên môn, lực lượng công an xã kiểm soát chặt chẽ quá trình dừng sản xuất của hộ gia đình bà Tạo. Trường hợp bà Tạo cố tình vi phạm, yêu cầu UBND xã, Công an xã đã được quy định và báo cáo lên UBND huyện kịp thời…”

nuoc thai
Nước cơ sở sản xuất xả thẳng ra kênh Bắc Hưng Hải

Tuy nhiên, như hiện thực đã rõ, UBND xã Nhân Quyền đã không làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình, không những thế, khi được hỏi, ông Nguyễn Trung Trực, chủ tịch xã còn cảm thấy “bất lực” mà cho rằng: “Phản ánh người dân là đúng, từ khi cơ sở tái chế bao bì của bà Nguyễn Thị Tạo có Văn bản của UBND huyện Bình Giang dừng hoạt động, cơ sở này vẫn không chấp hành. Nguyên nhân do xã không đủ cán bộ chuyên môn thường xuyên giám sát, xã chỉ có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở nhưng cơ sở bà Tạo không chấp hành. Chính vì vậy, xã đã nhiều lần đề nghị UBND huyện và ngành tài nguyên & môi trường có giải pháp, nhưng chưa thấy huyện có biện pháp gì. Để ngăn chặn cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường, xã Nhân Quyền đã làm Văn bản gửi Sở Điện lực tỉnh Hải Dương, Chi nhánh điện lực huyện Bình Giang ngừng cung cấp điện 3 pha đối với cơ sở của bà Nguyễn Thị Tạo, nhưng không được chấp thuận. Biết là cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép trên đất chuyển đổi trồng cây lâu năm, nhưng xã “bất lực” bởi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao… xã mong muốn UBND huyện, cơ quan chức năng có giải pháp quyết liệt, đình chỉ cơ sở tái chế bao bì của bà Nguyễn Thị Tạo.”

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, lãnh đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Bình Giang, tỏ ra ngỡ ngàng và cho biết: Cơ sở này đã bị đình chỉ và dừng hoạt động từ năm 2018. Việc cơ sở tái chế bao bì của bà Nguyễn Thị Tạo hiện vẫn đang hoạt động, Phòng Tài nguyên & Môi trường không nắm được, bởi xã Nhân Quyền không báo cáo. Phòng sẽ cử cán bộ kiểm tra, báo cáo UBND huyện có biện pháp xử lý dứt điểm, không để tình trạng hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường.

Với cơ sở sản xuất tái chế bao bì xây dựng trên đất trái phép, gây ô nhiễm môi trường từ khi có Văn bản của UBND huyện Bình Giang (tháng 3/2018) đến nay vẫn không chấp hành, vậy trách nhiệm thuộc cơ quan, đơn vị nào? Xã Nhân Quyền thì cho biết thường xuyên báo cáo, đề nghị với huyện, phòng Tài nguyên & Môi trường xử lý dứt điểm, nhưng Phòng Tài nguyên & Môi trường lại cho rằng xã Nhân Quyền không báo cáo. Huyện Bình Giang cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ, cần có ngay giải pháp chấm dứt hoạt động cơ sở tái chế bao bì của bà Nguyễn Thị Tạo, nhiều năm ảnh hưởng đời sống người dân, gây nhức nhối dư luận.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Giang (Hải Dương): Cơ sở tái chế bao bì trái phép “vô tư” hoạt động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO