Thường xuyên kiểm tra, giám sát
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, tại Bình Dương, kể từ đợt dịch thứ 4 đến 30/8/2021, tỉnh đã ghi nhận hơn 100.000 ca mắc Covid-19. Để cách ly và điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19, tỉnh Bình Dương đã thành lập 28 cơ sở điều trị, trong đó có 8 bệnh viện dã chiến; 148 cơ sở cách ly y tế tập trung; 1.289 điểm/khu vực phong tỏa. Theo đó, lượng chất thải phát sinh từ phòng, chống dịch Covid-19 cũng gia tăng đáng kể, nhất là chất thải y tế từ các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly y tế…
Hoạt động thu gom chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tại khu cách ly y tế ở Bình Dương. |
Theo số liệu giám sát và thống kê cho thấy, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thu gom, xử lý trung bình từ 80 - 90 tấn/ngày. Trong đó, lượng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 được phân loại từ các khu phong tỏa khoảng 40 tấn/ngày; chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 được thu gom từ các bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung… khoảng 50 tấn/ngày.
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, y tế cũng như hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành kèm theo Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 thì chất thải phát sinh từ các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly y tế tập trung thuộc thành phần chất thải lây nhiễm, phải được khử khuẩn và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để thu gom, xử lý bằng phương pháp thiêu đốt trong lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại hoặc chất thải y tế.
Hiện nay, toàn bộ chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tại cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly y tế tập trung, điểm/khu vực phong tỏa trên địa bàn tỉnh đều được các đơn vị quản lý thực hiện khử khuẩn, lưu chứa trong các thùng chứa bằng nhựa cứng, có nắp đậy để tránh lây nhiễm và hợp đồng với Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương sử dụng phương tiện chuyên dụng vận chuyển về Khu xử lý chất thải tập trung của tỉnh để xử lý bằng phương pháp thiêu đốt trong lò đốt chất thải y tế, lò đốt chất thải nguy hại theo đúng quy định.
Cũng theo lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương, thời gian qua, nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Bình Dương, Sở TN&MT đã kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về chuyên môn để giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý, xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Thực hiện Văn bản số 4119/BTNMT-TCMT ngày 23/7/2021 của Bộ TN&MT về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19, hiện nay, Sở TN&MT đã ban hành các Văn bản hướng dẫn và đề nghị cũng như tổ chức phối hợp kiểm tra, giám sát việc quản lý và xử lý chất thải trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo đúng quy định.
Đồng thời, Sở TN&MT Bình Dương đã tiếp tục ban hành nhiều Văn bản để hướng dẫn chi tiết hơn về công tác quản lý và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19, như: Quản lý và xử lý chất thải trong các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly y tế tập trung, khu vực phong tỏa; Quản lý và xử lý chất thải tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu công nghiệp; Quản lý và xử lý chất thải tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19...
Sở TN&MT Bình Dương còn chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát thực tế tại cơ sở cách ly y tế tập trung, bệnh viện, điểm phong tỏa… để hướng dẫn và kịp thời xử lý các tồn tại trong quản lý chất thải nhằm đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo xử lý đúng quy định
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, cùng sự nỗ lực và phối hợp tốt giữa Sở TN&MT với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và chính quyền địa phương đã góp phần cho công tác bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện đúng quy định và đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch.
Bình Dương đảm bảo an toàn việc xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19. |
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn biến hết sức phức tạp, hình thành nhiều điểm phong tỏa, cơ sở y tế tập trung, khiến khối lượng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tăng cao… Do vậy, thời gian đầu, một số địa phương, đơn vị có bị động, lúng túng dẫn đến công tác phân loại và thu gom chất thải có lúc chưa được kịp thời.
Trước tình hình trên, Sở TN&MT Bình Dương đã kịp thời có Văn bản hướng dẫn cụ thể và trực tiếp đến các điểm phong tỏa, cơ sở y tế tập trung để hướng dẫn cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện, nhất là hướng dẫn phân loại, lưu giữ và chuyển giao xử lý chất thải phát sinh từ các điểm phong tỏa, từ đó góp phần giảm khối lượng chất thải sinh hoạt thông thường lẫn vào chất thải lây nhiễm và thuận lợi cho công tác thu gom, xử lý. Đồng thời, Sở TN&MT cũng đã có Văn bản yêu cầu Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương cần tăng cường nhân lực, thiết bị và phối hợp tốt với UBND cấp huyện và đơn vị liên quan trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải được kịp thời, đúng quy định.
Hiện tại, ngoài Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương đang thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 với công suất là 300 tấn/ngày (Công ty này hiện đang thu gom, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch với khối lượng khoảng 80 - 90 tấn/ngày, khoảng 31% so với năng lực xử lý), còn có 5 đơn vị được Bộ TN&MT cấp phép có chức năng xử lý chất thải nguy hại và chất thải y tế với năng lực xử lý khoảng 80 tấn/ngày.
Theo Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, để đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển được nhanh chóng, kịp thời và không bỏ sót bất kỳ một địa điểm nào phát sinh chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2, Công ty đề nghị các địa phương chưa thực hiện phân loại và các địa phương thực hiện chưa đầy đủ phải thực hiện phân loại theo Văn bản số 2663/STNMT-CCBVMT ngày 20/7/2021 và các Văn bản nhắc nhở của Sở TN&MT Bình Dương; cử cán bộ địa phương phối hợp, thông báo và hướng dẫn cho đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải đến các địa điểm phong tỏa để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2.
Sở TN&MT Bình Dương cũng đã có Văn bản hướng dẫn và đề nghị 5 đơn vị trên phải chủ động và sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị… để phối hợp với Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Sở TN&MT Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp tốt với Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, phòng ban chuyên môn, chính quyền địa phương trong công tác quản lý và xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng quy định. Đối với các vấn đề bất cập vượt quá thẩm quyền, Sở TN&MT sẽ báo cáo UBND tỉnh Bình Dương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời.