Môi trường

Bình Dương: Ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2024 - 2030

Tường Tú 24/01/2025 - 15:30

(TN&MT) - Thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030; xét đề nghị của Sở TN&MT tại Tờ trình số 566/TTr-STNMT ngày 25/12/2024; UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2024 - 2030.

kcnbd.jpg
Hiện nay, các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và camera quan sát

Trong đó, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 6.000 doanh nghiệp sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động; có 29 KCN đang hoạt động với diện tích 12.663 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 92,2%; có 09 CCN với diện tích khoảng 622,6 ha, trong đó, 07 CCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 54,4%. Các KCN, CCN đang hoạt động đều đã lập báo cáo đánh giá tác động mỗi trường và đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; được xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hiện nay, đang thực hiện thủ tục Giấy phép môi trường đúng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đồng thời, đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và camera quan sát. Theo Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 329 cơ sở thuộc danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vị có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chủ yếu tập trung các ngành: Cơ khí, xi mạ; Giấy, bột giấy; Sản xuất bia, nước giải khát có gas; Ác quy; Dệt nhuộm; Điện tử; Chế biến, tinh luyện cao su; Xử lý chất thải,...

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong công tác xử lý nước thải từ năm 2009, tỉnh Bình Dương đã triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống trạm quan trắc nước thải tự động đối với các nguồn thải lớn. Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương cũng đã có 104 trạm quan trắc nước thải, 33 trạm quan trắc khí thải tự động. Qua đó, đã kiểm soát, giám sát liên tục 24/24 giờ đối với 85% lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện các sự cố xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống xử lý chất thải của các doanh nghiệp.

Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 và điều kiện thực tế tỉnh Bình Dương, việc xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Bình Dương được thực hiện với quy mô từ sự cố mức độ trung bình, có phạm vi ảnh hưởng từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên hoặc có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường lan rộng ngoài khả năng ứng phó của cấp huyện. Kế hoạch quy định về việc công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải xảy ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Việc ứng phó sự cố chất thải do thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai.

Về nhiệm vụ chung, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với các Sở ngành và các huyện triển khai có hiệu thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bản tỉnh; đồng thời, rà soát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, gửi báo cáo về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để được sự chỉ đạo.

Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương chủ trì phối hợp với các Sở ngành, đơn vị, tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiện vụ theo hướng dẫn tại Phụ lục I Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ xây dựng, tham mưu hoặc phối hợp cơ quan chủ trì trình UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh theo chu kỳ 05 năm và cập nhật, điều chỉnh, bổ sung hàng năm khi có sự thay đổi các điều kiện dẫn đến sự thay đổi về nội dung, làm tăng quy mô, vượt quá khả năng ứng phó so với phương án trong Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải.

Riêng chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm xây dựng và ban hành kế hoạch ứng phó sự cố chất thải. Nội dung ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải có thể được lồng ghép vào kế hoạch ứng phó sự cố khác; trường hợp kế hoạch ứng phó sự cố chất thải được lồng ghép, tích hợp và phê duyệt cùng với kế hoạch ứng phó sự cố khác theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì phải bảo đảm có đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2024 - 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO