Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã làm tốt công tác quản lý hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, công tác vận động người dân tự giao nộp động vật hoang dã bắt được và thả về với môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao Trung tâm cứu hộ cũng được Chi cục hết sức quan tâm.
Một trại nuôi nai lấy nhung ở xã Hoài Tân (huyện Hoài Nhơn). |
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có 44 cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD quy cấp, quý, hiếm nhóm IIB và ĐVHD nguy cấp thuộc Phụ lục II, III Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); 1 cơ sở trồng cấy nhân tạo thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục II, III CITES và 1 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được cấp phép. Trong đó, nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD có 44 cơ sở/15 loài (cầy hương, cầy vòi hương, kỳ đà, ắn hổ trâu, rắn ráo trâu, cheo cheo, rùa núi vàng, rùa đất lớn) với 968 cá thể,…
Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng với sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình đăng ký gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài ĐVHD, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình, giảm áp lực săn bắt các loài ĐVHD trong tự nhiên, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm. Tuy vậy, song song với hoạt động cấp phép gây nuôi thì việc quản lý chặt chẽ loại hình chăn nuôi đặc thù này cũng là vấn đề quan trọng.
Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đưa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước về quản lý, bảo vệ ĐVHD vào cuộc sống. Đồng thời, vận động cán bộ, công chức và nhân dân không vi phạm pháp luật, không sử dụng các sản phẩm ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp.
Đặc biệt, Chi cục luôn quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện giao nộp ĐVHD bắt được và thả về với môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao Trung tâm cứu hộ ĐVHD để chăm sóc cứu chữa các cá thể bị thương trước khi trả về tự nhiên. Đầu năm 2019 đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã tiếp nhận 3 cá thể cu li và 1 cá thể voọc chà vá chân nâu của người dân tự nguyện giao nộp. Sau khi tiếp nhận, Chi cục đã chuyển 3 cá thể cu li cho công viên động vật hoang dã FLC thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển vườn thú Faros. Và, chuyển 1 cá thể voọc chà vá chân nâu cho Trung tâm cứu hộ thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý hoạt động gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng đối diện không ít khó khăn. |
Ngoài việc tuyên truyền, vận động; Chi cục Kiểm lâm thường xuyên chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm và Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát các tụ điểm xảy ra tình trạng mua, bán, nuôi nhốt, vận chuyển ĐVHD trái pháp luật. Kết quả, từ đầu năm 2019 đến nay, chưa phát hiện hành vi vi phạm nào liên quan tới săn, bắt, nuôi nhốt, mua, bán, vận chuyển trái phép ĐVHD và sản phẩm của chúng.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý hoạt động gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh cũng đối diện không ít khó khăn. Nhất là trong bối cảnh, các cơ sở gây nuôi động vật rừng nói chung và ĐVHD nói riêng trên địa bàn tỉnh chủ yếu nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, không ổn định, hiệu quả kinh tế chưa cao, đời sống người dân còn khó khăn nên không có đủ điều kiện để thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các loài động vật gây nuôi theo quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định của Bộ TN&MT.
Ông Lê Đức Sáu, cho biết thêm: Để công tác quản lý hoạt động gây nuôi động vật rừng và ĐVHD ngày càng chặt chẽ, nề nếp; Chi cục kiến nghị Sở NN&PTNT trình Tổng cục Lâm nghiệp tham mưu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc xác nhận về đảm bảo điều kiện vệ sinh, môi trường trong gây nuôi động vật rừng cho cá nhân, hộ gia đình và trang trại quy mô nhỏ để giảm bớt khó khăn, chi phí, tạo thuận lợi cho cá nhân, hộ gia đình phát triển gây nuôi đông vật rừng và ĐVHD.