Bình Định: Nhiều hoạt động bảo vệ rừng

08/04/2016 00:00

(TN&MT) Với quyết tâm không để tình trạng chặt phá và cháy rừng xảy ra như những năm trước, tỉnh Bình Định đang có nhiều hoạt động cũng như chính sách nhằm nâng cao công tác quản lý bảo vệ rừng cho các địa phương trên toàn tỉnh.

Chấn chỉnh các Ban quản lý rừng phòng hộ

Năm 2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định thống kê có 546,77 ha rừng tại các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn bị phá, lấn chiếm trái phép, trong đó có 98,73 ha rừng phòng hộ bị phá; 109,35 ha đất rừng phòng hộ và 1,2 ha đất rừng đặc dụng bị lấn chiếm trái phép.

Xuất phát từ tình trạng rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng một phần do chính những người giữ rừng đứng ra chặt phá rừng hoặc “bán rừng” cho người khác vào chặt phá, tiếp tay cho lâm tặc… khiến cho công tác bảo vệ rừng càng gặp nhiều khó khăn, trong năm 2016 tỉnh Bình Định đã chấn chỉnh ngay các ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) để tránh lặp lại tình trạng trên. Mặt khác cũng nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho BQLRPH trong công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1152/UBND-TH về việc chấn chỉnh công tác khoán quản lý bảo vệ rừng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu BQLRPH các huyện tiến hành rà soát toàn bộ những hợp đồng đã khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2011-2015, nếu phát hiện tình trạng chuyển nhượng trái phép thì phải chấn chỉnh kịp thời theo đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời thanh lý hợp đồng đối với các hộ nhận khoán giai đoạn 2011-2015 và ký hợp đồng giao khoán giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đối với những hộ dân đã thực hiện tốt hợp đồng giai đoạn 2011-2015 sễ được ưu tiên hợp đồng nếu có nhu cầu tiếp tục nhận khoán. Còn những đối tượng nhận khoán đã chết hoặc đã chuyển đi nơi khác sinh sống và những trường hợp chuyển nhượng rừng nhận khoán trái phép, thì điều chỉnh và ký hợp đồng với người khác theo quy định.

Đối tượng đưa vào khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên bao gồm: rừng phòng hộ, rừng giống, vườn giống thuộc sở hữu nhà nước đã được phê duyệt. Đồng thời văn bản cũng quy định rõ thành phần hồ sơ giao khoán, mẫu hợp đồng khoán và việc hưởng lợi từ rừng khoán…

Văn bản được UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phồi hợp với UBND các huyện hướng dẫn, kiểm tra và kịp thời chấn chính những sai phạm trong việc thực hiện công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ tại các địa phương và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Củng cố và xây dựng mới các trạm bảo vệ rừng và chòi canh lửa

Cùng với việc chấn chỉnh các ban quản lý rừng phòng hộ, tỉnh Bình Định cũng đã rà soát lại công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn đồng thời kiểm tra các trạm bảo vệ và chòi canh lửa để để bổ sung cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo vệ rừng.

Tại một số khu rừng phòng hộ thường xuyên có lâm tặc càn quấy các trạm bảo vệ rừng được chuyển đổi thành trạm bảo vệ công cộng chia trách nhiệm cho các lực lượng để vừa đảm bảo công tác bảo vệ rừng vừa đảm bảo an toàn cho các lực lượng.

Trạm bảo vệ rừng nào chưa đầy đủ các thiết bị hoặc thiết bị bị hư hỏng sẽ được xem xét và bổ sung, sữa chữa. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ xét duyệt để xây bổ sung thêm một số trạm bảo vệ ở các khu rừng rộng, xa dân cư…

Riêng hệ thống chòi canh lửa có tác dụng phát hiện được sớm các điểm cháy rừng để kịp thời xử lý, dập tắt đám cháy, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất; đồng thời còn là phương tiện để quản lý, ngăn chặn và giám sát mọi người vào rừng trong mùa cao điểm của cháy rừng. Chính vì thế, tỉnh Bình Định rất chú trọng việc đảm bảo độ cao và các thiết bị cần thiết trên các chòi canh lửa.

Để cho việc phát hiện đám cháy nhanh và chính xác, tỉnh đang bổ sung các chòi canh phụ ở các khu rừng rộng và  hay xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, các chòi canh được trang bị đầy đủ ống nhòm, bản đồ khu vực, vô tuyến điện, radio và một số tín hiệu như cờ màu, pháo lệnh, bóng màu, kẻng báo hiệu. Vào thời kỳ cao điểm của mùa cháy rừng, chòi canh sẽ bố trí người làm việc liên tục 24/24 giờ trong ngày.

Hiện 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Định đã hoàn thành  bản đồ phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2015-2016. Các bản đồ đều thể hiện rõ vùng trọng điểm dễ cháy rừng nên công tác chỉ huy, huy động lực lượng tham gia chữa cháy sẽ được thuận lợi hơn, hiệu quả công tác PCCCR cao hơn.

Vừa qua, tại xã Vĩnh Kim đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trạm bảo vệ rừng và chòi canh lửa cố định với tổng trị giá 551 triệu đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ” đầu tư.

Được biết, Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ” triển khai tại Vĩnh Thạnh do Chính phủ Nhật đầu tư với mục tiêu chính là góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên rừng và tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương và chủ rừng phòng hộ.

Bài & ảnh: Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Nhiều hoạt động bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO