Bình Định: Lợi ích lớn từ việc trồng rừng gỗ lớn

21/07/2018 20:34

(TN&MT) - Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất…, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, loại rừng này vẫn chưa phát triển rộng rãi tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có tại các địa phương.

RUNG1
Trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều hiệu quả. Trong ảnh: Người dân huyện Tuy Phước chăm sóc rừng keo lai

Lợi ích lớn…

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN&PTNT Bình Định, tính đến nay, toàn tỉnh có 134.306 ha rừng trồng, gồm 97.212 ha rừng sản xuất, số còn lại là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Trong số diện tích hơn 97.000 ha rừng sản xuất thì có hơn 80.000 ha rừng do các doanh nghiệp và hộ nông dân sở hữu, còn lại của các công ty lâm nghiệp. Theo ước tính, mỗi năm toàn tỉnh Bình Định trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác với diện tích trên dưới 10.000 ha rừng. Hầu hết diện tích rừng sản xuất được thu hoạch non khi cây phát triển từ 4 - 5 năm tuổi. Thế nhưng nếu nuôi rừng để khai thác cây gỗ lớn (chu kỳ khai thác từ 14 - 15 năm) thì không những góp phần tăng hiệu quả kinh tế mà con nâng cao khả năng bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, rửa trôi đất.

Ông Phạm Bá Nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, đánh giá: Hiệu quả kinh tế của trồng rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ cao gấp nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Hiện nay, năng suất rừng trồng phục vụ nguyên liệu giấy tại tỉnh đạt bình quân khoảng 100 tấn/ha với chu kỳ trồng từ 5 - 7 năm. Với giá gỗ nguyên liệu ở mức 1,2 triệu đồng/tấn, 1 ha rừng trồng thu được 120 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư và chi phí công khai thác (khoảng 30 triệu đồng/ha), người trồng rừng còn lãi từ 60 - 70 triệu đồng/ha. Tính ra, mỗi năm, người trồng rừng chỉ lãi khoảng 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu duy trì chăm sóc rừng đến 10 - 12 năm mới khai thác theo chương trình cây gỗ lớn thì mức doanh thu có thể đạt tới 250 triệu đồng/ha, gấp đôi thu nhập so với trồng rừng nguyên liệu giấy.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho biết: Bên cạnh thu nhập kinh tế mang lại cao gấp đôi, trồng rừng gỗ lớn còn tăng khả năng hấp thụ khí cacbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu nhờ thời gian trồng kéo dài. Do vậy, xu hướng trồng rừng gỗ lớn được công ty xác định là hướng đi bền vững trong thời gian tới. Hiện nay, đơn vị đã thực hiện trồng 600 ha rừng keo lai theo chương trình trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện Hoài Ân.
 

RUNG2


Nông dân còn e dè

Lợi ích kinh tế và môi trường mang lại từ chương trình trồng rừng gỗ lớn là khá cao, thế nhưng hiện nay đa số nông dân vẫn chưa mặn mà. Ông Cù Văn Mẫn, một hộ trồng rừng ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, Bình Định), cho biết: Sở dĩ nông dân chúng tôi chưa “hít” chương trình trồng rừng gỗ lớn là bởi đa số người trồng rừng có thu nhập thấp, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài cho cây gỗ lớn. Trồng rừng gỗ nhỏ (chu kỳ khai thác từ 4 - 5 năm) mang lại nguồn thu nhanh hơn, có thể sớm quay vòng vốn đầu tư tiếp. Bên cạnh đó, do hầu hết người trồng rừng kinh tế vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng để trồng rừng nên phải tiến hành thu hoạch rừng sớm để trả nợ. Một lý do nữa làm cho người trồng rừng phải lo thu hoạch sớm rừng trồng là do công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa phương chưa tốt, nếu kéo dài thời gian trồng và chăm sóc, khi cây đạt kích thước lớn dễ bị kẻ trộm khai thác…

Theo các chuyên gia về lâm nghiệp, lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn đã được khẳng định thế nhưng để phát triển mạnh diện tích rừng trồng gỗ lớn, ngành chức năng cần thay đổi từ công tác quy hoạch, nghiên cứu giống mới, kỹ thuật lâm nghiệp, đến việc ban hành các chích sách về phát triển thị trường, chính sách bảo hiểm rừng trồng, hỗ trợ tín dụng cho trồng rừng gỗ lớn, xây dựng mối liên kết từ khâu trồng đến khai thác theo chuỗi giá trị…

Theo ông Phạm Bá Nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, trong bối cảnh khả năng cung cấp gỗ xẻ từ rừng tự nhiên đã cạn kiệt, nguồn nguyên liệu cho sản xuất đồ mộc xuất khẩu của các DN chế biến đồ gỗ trên địa bàn tỉnh hầu hết là nhập khẩu thì trồng rừng gỗ lớn thay thế là một giải pháp quan trọng. Hiện, ngành Nông nghiệp đã xây dựng và trình đề án phát triển cây gỗ lớn để UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, trong thời gian từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ trồng rừng gỗ lớn với diện tích 10.000 ha, triển khai tại 3 Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn, Hà Thanh và Quy Nhơn. Đồng thời triển khai tại các địa phương có nhiều diện tích rừng trồng tại các huyện như Phù Cát, Vân Canh, Hoài Ân…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Lợi ích lớn từ việc trồng rừng gỗ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO