Phóng viên Báo TN&MT ghi nhận nơi hiện trường khu vực đang khai thác đất tại Cụm công nghiệp Tà Súc, có đến hàng chục chuyến xe Chiến Thắng mang tên Huy Hoàng Thiện và xe không có gắn tên hiệu chạy rầm rầm ra, vào khu vực mỏ đất nằm bên trong đường bê tông cạnh Công ty TNHH SX VTXD Gạch Tà Súc để múc và chở đất ra ngoài Ql 19.
Theo dấu chiếc xe mang tên Huy Hoàng Thiện, PV vào tận khu vực đang lấy đất thì không khỏi ngạc nhiên khi hàng ngàn mét khối đất đã bị lấy đi, vận chuyển ra ngoài. Hiện trường khai thác đất là một chiếc xe đào đang hoạt động múc đất, đưa đất lên xe Chiến Thắng chuẩn bị chở đất ra ngoài.
Khu đất nằm ở vị trí khá thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển ra ngoài, chỉ cách mặt đường Ql 19 vài chục mét, cách UBND xã Vĩnh Quang vài trăm mét, bởi vậy, nguyên cả đồi đất khá cao nay bị hạ cos nền xuống thấp, chỗ bị lấy đất nham nhở, sạt lở, lầy lội vì đợt mưa những ngày qua.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Lê Văn Đẩu- Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Đây là mỏ đất cũ được quy hoạch trong Cụm Công nghiệp Tà Súc, UBND tỉnh giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp. Nhưng UBND huyện không có tiền để làm mặt bằng nên Phòng Kinh tế - Hạ tầng tham mưu cho UBND huyện, cho các doanh nghiệp vào tự giải phóng mặt bằng, lấy đất xây dựng các công trình trên địa bàn huyện để hạ mặt bằng xuống, sau này đỡ tốn kém chi phí.
Ông Đẩu giải thích thêm: UBND tỉnh chỉ cấp phép khai thác mỏ cát, mỏ đá vật liệu xây dựng còn mỏ đất san lấp mặt bằng các công trình xây dựng, làm đường, thì không phải UBND tỉnh cấp, HĐND tỉnh quyết định thành lập mỏ đất thì cứ vậy lấy không cần cấp. Còn UBND huyện cho lấy đất sẽ thực hiện đóng thuế tài nguyên, phí môi trường, chứ đất không phải UBND tỉnh cấp. Xe Huy Hoàng Thiện lấy đất hạ cos mặt bằng giúp cho mình thì không có vấn đề gì.
Mặc dù, Cụm công nghiệp Tà Súc nằm trên địa phận xã Vĩnh Quang, việc quản lý tài nguyên khoáng sản chưa cấp phép, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương sở tại, nhưng khi PV trao đổi với ông Nguyễn Phương Bắc - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang thì vị chủ tịch này trả lời không biết, không nắm rõ, đó việc của UBND huyện Vĩnh Thạnh quản lý Cụm công nghiệp Tà Súc.
Trước đây, UBND tỉnh Bình Định từng có văn bản số 5360 ngày 04/9/2018 giao Sở TN&MT hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện quy trình và thủ tục cấp phép khai thác các mỏ đất phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với các thủ tục xác nhận nộp các khoảng ngân sách nhà nước trước khi khai thác đất, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các cơ quan liên quan thống nhất cụ thể với thời hạn nhanh nhất, thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện.
Đất cũng như cát, đá đều là tài nguyên quốc gia cần phải bảo vệ, quản lý tại địa phương khi chưa được phép khai thác. Khi khai thác đất đều phải được cấp phép và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính như đối với cát, đá. Không có lý nào, huyện Vĩnh Thạnh tự “đẻ” ra Luật Khoáng sản mới là chỉ cấp phép khai thác cát, đá, riêng đất không cần cấp phép và được lấy vô tội vạ, trục lợi nguồn tài nguyên đất bất chấp quy định pháp luật.