Người dân tỉnh Bình Định đua nhau xây dựng hầm biogas để giảm thiểu ô nhiễm môi trường |
Hiệu quả thiết thực
Tỉnh Bình Định là 1 trong 10 địa phương của cả nước được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai, vốn vay ADB 1,742 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh 173.500 USD. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, dự án đã hỗ trợ xây lắp 4.458 công trình khí sinh học (biogas) cho người dân, vượt 885 công trình so với kế hoạch Trung ương giao, trong đó năm 2015 toàn tỉnh đã xây lắp được 2.595 công trình.
Hầu hết các công trình đưa vào hoạt động đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. Ngoài ra, các công trình còn tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả trong công cuộc xây dựng NTM.
Đặc biệt, BQL dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp còn xây dựng 2 mô hình LCASP, chú trọng thực hiện các mục tiêu ứng dụng các phụ phẩm biogas làm phân bón cho cây trồng và chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi bò để chuyển giao cho nông dân......
Anh Trần Quang Trung, xã Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) cho biết: Gia đình anh nuôi 60 con heo, ngày trước thường xuyên bị người dân xung quanh phản ánh mùi hôi thối. Từ khi được hỗ trợ xây dựng hầm biogas, không còn mùi hôi thối, ruồi nhặng, giảm ô nhiễm môi trường. Hiện khí ga từ hầm biogas của gia đình anh còn phục vụ cho việc nấu nướng rất hiệu quả.
Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững
Ông Đào Văn Hùng- Giám đốc Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp khẳng định: Xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas làm cho chất thải phân huỷ nhanh, khử mùi tốt và giảm quần thể côn trùng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hình thức này được gọi là “chăn nuôi xanh” hay chăn nuôi thân thiện với môi trường. Mô hình cũng mở ra hướng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học; đặc biệt là chăn nuôi nông hộ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư; góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí 17- tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Hùng cho biết thêm qua khảo sát, hiện nay nhu cầu xây dựng hầm biogas của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Định rất lớn. Tuy nhiên, định mức hỗ trợ từ dự án (3 triệu đồng/công trình quy mô nhỏ; 10 triệu đồng/công trình quy mô vừa và 20 triệu đồng/công trình quy mô lớn) như hiện nay là quá thấp so với tổng kinh phí xây dựng công trình khí sinh học, nên chưa thu hút sự quan tâm của người dân, nhất là những chủ trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn. Có nhiều chủ trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở nhiều địa phương đã tự đầu tư kinh phí xây dựng công trình khí sinh học. Tuy nhiên, do xây dựng không đúng quy chuẩn và sử dụng chưa đúng cách, nên hầm chứa bị quá tải, chất thải chăn nuôi trào ra ngoài hầm gây ô nhiễm môi trường.
Mô hình chăn nuôi xanh đang triển khai tại nhiều địa phương ở Bình Định |
“Để dự án được triển khai thuận lợi và phát huy hiệu quả, BQL dự án cần nâng định mức hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư xây dựng hầm biogas, góp phần giải quyết chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn”- ông Hùng nói.
Thời gian tới, tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng 1.700 công trình khí sinh học quy mô nhỏ, 10 công trình quy mô vừa và 16 công trình quy mô lớn, ưu tiên cho các địa phương phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí biogas, thời gian gần đây bà con nông dân ở Bình Định đang phát triển mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học cũng góp phần bảo vệ môi trường,
Bài & ảnh: Lan Anh