(TN&MT) - Hơn 100 hộ dân ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đang sống trong phập phồng bên bờ sông Côn bị sạt lở. Trong khi đó, việc đầu tư công trình kè kiên cố ngăn chặn, chống sạt lở vẫn chưa được thực hiện do khó khăn về nguồn vốn đầu tư.
Sạt lở tăng dần, dân sống trong thấp thỏm
Ông Mã Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, xác nhận: Hiện tượng sạt lở bờ sông Côn chảy qua địa bàn xã đang diễn ra nghiêm trọng; đặc biệt là đoạn qua thôn An Ngoại, Vĩnh Thái. Địa phương đang rất lo lắng trước tình hình sạt lở tăng dần qua mỗi năm. Trong khi kinh phí để xây dựng công trình kè kiên cố chưa có, người dân sống dọc bờ sông cứ phải sống trong cảnh thấp thỏm và chờ “lệnh” di tản lên vùng an toàn khi có yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Sáu, 56 tuổi, ở thôn Vĩnh Thái, người dân trong khu vực, cho biết trước đây bờ sông rộng, vững chãi, nằm cách vị trí bờ hiện tại gần 30m. “Đến nay, khoảng cách này đã được “rút ngắn” xuống 1m. Bờ sông dựng đứng, tạo hàm ếch. Để ngăn chặn hiện tượng bờ sông bị “ngoạm”, hằng năm, tôi phải bỏ ra khoảng tiền không nhỏ để mua đá gia cố tạm, trồng thêm tre để hạn chế sạt lở,… song vẫn không ăn thua”.
Tình trạng sạt lở ven sông Côn đã diễn ra hơn 10 năm nay nhưng 2 năm trở lại đây, tình hình trở nên nghiêm trọng. Dẫn chúng tôi ra khu vực bị sạt lở nặng nề nhất của xã Vĩnh Thịnh là thôn An Ngoại, ông Lương Công Rô, 65 tuổi, ngao ngán: “Mấy năm trước, nơi đây từng là bãi bồi rộng 50m và kéo dài gần 1 km, nay đã bị cuốn trôi ra giữa sông kéo theo nhiều lũy tre, cây cối của thôn”.
Theo UBND xã Vĩnh Thịnh, chiều dài vùng sạt lở ở dọc bờ sông Côn qua địa bàn hơn 1.000m. Người dân ở đây dùng bao tải chứa cát, xây dựng bờ kè, thả rọ đá, trồng cây tre, hoặc cây bần để làm bờ bao ngăn sạt lở. Họ lo lắng không biết đến khi nào mới được di dời tới nơi ở mới an toàn. Bà Nguyễn Thị Trang, người dân ở khu vực trên, cho biết phần sau nhà của bà bị sạt lở đến nay đã chục năm nhưng gia đình vẫn phải sống trong căn nhà này. Theo bà Trang, các hộ dân nằm trong vùng sạt lở ai cũng mong muốn sớm được Nhà nước hỗ trợ để dời đến nơi ở mới an toàn hơn.
Chưa có kinh phí, chờ “lệnh” sơ tán khi có lũ xảy ra
Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, thông tin người dân ở xã Vĩnh Thịnh có nhà sinh sống dọc bờ sông Côn đang lo lắng trước hiện tượng bờ sông sạt lở huyện đã nắm bắt và đã đi kiểm tra thực tế. Huyện rất chia sẻ với bà con về nỗi lo này; tuy nhiên cái khó là kinh phí để xây dựng công trình kè đê sông kiên cố dài cả cây số như thế này huyện không kham nổi. Huyện đã kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vốn, tuy vậy, tỉnh cũng chưa bố trí được kinh phí do khó khăn về ngân sách.
Theo phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, trong lúc nguồn vốn bố trí để xây dựng công trình đê, kè chưa có, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chủ rộng rà soát, lên phương án ứng phó cho từng công trình, từng vùng ngập trũng, vùng sạt lở sông, suối (trong đó có xã Vĩnh Thịnh). Theo phương án ứng phó, các hộ dân sinh sống ở thôn An Ngoại, Vĩnh Thái có nhà nằm trong vùng sạt lở sẽ được chính quyền xã sơ tán tới Trường THCS Huỳnh Thị Đào; đồng thời, huyện sẽ bố trí sõng tre, xe máy, xe tải và các phương tiện cơ giới khác để phục vụ cho công tác cứu hộ, sơ tán dân khi có tình huống thiên tai xấu xảy ra.
Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm: Ngoài hơn 100 hộ dân ở thôn An Ngoại, Vĩnh Thái (xã Vĩnh Thịnh) đang sống trong vùng sạt lở nguy hiểm thì trên địa bàn huyện hiện có 35 hộ ở thôn Định Bình (thị trấn Vĩnh Thạnh), 4 hộ ở thôn Định Tường (xã Vĩnh Quang), 48 hộ ở thôn Thạnh Quang (xã Vĩnh Hiệp) khác đang sống dọc sông Côn cũng nằm trong diện phải di dời khẩn thiết khi có mưa lũ lớn xảy ra.