Bình Định: Cần xử nghiêm nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp

02/10/2016 00:00

(TN&MT) - Từ đầu năm đến nay, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn huyện Tây Sơn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô lẫn...

 

(TN&MT) - Từ đầu năm đến nay, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn huyện Tây Sơn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô lẫn số vụ. Thế nhưng, hiệu quả trong việc ngăn chặn, xử lý của chính quyền các địa phương và ngành chức năng chưa cao.

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, 9 tháng đầu năm 2016, toàn huyện Tây Sơn đã xảy ra 4 vụ phá rừng và 8 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật với tổng diện tích thiệt hại 25,5 ha; trong đó, diện tích rừng bị phá gần 19,3 ha; còn lại 6,2 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. So với cùng kỳ, tăng 3 vụ phá rừng, tăng gần 17,3 ha rừng bị phá.

Truy tìm đối tượng vi phạm

Xã Bình Tân, Tây Giang, Tây Thuận, Tây Xuân là những địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp phổ biến nhất. Như, ở xã Bình Tân, qua công tác tuần tra, kiểm soát ngành chức năng của huyện đã phát hiện có 18,4 ha rừng, trạng thái IIa, IIb, quy hoạch chức năng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn quản lý tại tiểu khu 228 và 241 bị phá trái pháp luật. Ngoài ra, ở xã Tây Giang, đầu năm đến nay, tại tiểu khu 270 cũng đã xảy ra 3 vụ phá rừng khác, với diện tích rừng bị phá 0,9 ha. Ông Sử Thành Nhơn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, nói: “Bốn vụ phá rừng trái phép trên, chúng tôi đang phối hợp ngành chức năng của huyện khẩn trương điều tra, xác minh đối tượng vi phạm”. 

Tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tây Sơn diễn ra nóng bỏng. Trong ảnh: Một diện tích đất lâm nghiệp ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang (Tây Sơn) bị “húi trọc” để chuẩn bị trồng cây keo lai.

Tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tây Sơn diễn ra nóng bỏng. Trong ảnh: Một diện tích đất lâm nghiệp ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang (Tây Sơn) bị “húi trọc” để chuẩn bị trồng cây keo lai.

 

Nóng không kém, nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép ở các xã Tây Thuận, Bình Tân, Tây Giang và Tây Xuân cũng đang diễn biến phức tạp. Kết quả kiểm tra cho thấy, đã có gần 6,3 ha đất lâm nghiệp bị xâm hại từ đầu năm đến nay. Chẳng hạn, ở tại tiểu khu 248, xã Tây Thuận đã xảy ra 2 vụ xâm chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 2,6 ha; quy hoạch chức năng sản xuất do UBND xã quản lý. Tương tự, tại tiểu khu 270, xã Tây Giang xảy ra 3 vụ, diện tích đất bị lấn chiếm gần 2,8 ha; trạng thái Ib và Ic, chức năng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn quản lý.

Qua tìm hiểu, trong 8 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn huyện Tây Sơn được phát hiện. Đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã kiểm tra xác lập hồ sơ 2 vụ. Đối tượng vi phạm là ông Lê Văn Tảo và ông Lê Văn Đức, cùng trú thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân. Hiện tại, Kiểm lâm địa bàn xã Tây Xuân đang phối hợp với địa chính xã tham mưu Chủ tịch UBND xã Tây Xuân xử lý theo Luật Đất đai. 6 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp còn lại đang được ngành chức năng huyện Tây Sơn điều tra, xác minh đối tượng vi phạm.

Ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, như: sự buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền địa phương; các cơ quan chuyên môn của huyện chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; bên cạnh đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của các chủ rừng… Hơn nữa, giá gỗ nguyên liệu giấy (gỗ keo) hiện nay tăng cao nên một số người dân bất chấp pháp luật, thực hiện hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo. Thực tế này gây nhiều khó khăn cho chính quyền các địa phương và ngành chuyên môn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp”.

Nâng cao ý thức người dân, cương quyết xử lý vi phạm

Trước thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn và chính quyền các địa phương đang dốc toàn bộ lực lượng, phương tiện, quyết liệt đấu tranh với lâm tặc. Ông Sử Thành Nhơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho biết: “Xác định những tháng cuối năm là thời gian thường gia tăng các hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm huyện chủ động phối hợp các đơn vị chủ rừng và các xã, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các khu vực phức tạp về khai thác rừng trái phép. Đồng thời, Hạt lên kế hoạch, chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn khẩn trương điều tra, làm rõ đối tượng phá rừng, lấn đất trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Cũng theo ông Nhơn, đi đôi với công tác tuần tra, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm về Luật Phát triển và Bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm và các ngành chức năng huyện Tây Sơn cũng thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng, tới tận cơ sở với nội dung và hình thức phù hợp. Song song công việc này, Hạt tập trung chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm liên tục tuần tra, truy quét, sớm phát hiện và chặn đứng kịp thời đường dây phá rừng, lấn chiếm đất quy mô lớn.

Để việc ngăn chặn, xử lý hiệu quả, ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho hay: “Trước mắt, trong mùa mưa sắp tới, chúng tôi sẽ bố trí lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm soát lâm sản trên các tuyến giao thông dẫn về cửa rừng. Đồng thời, Hạt tiếp tục cử lực lượng bám sát cơ sở, xây dựng nguồn tin báo tội phạm trong nhân dân, tại các điểm “nóng” thường xảy ra chặt phá rừng, hay các tuyến đường giao thông thường xảy ra tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép. Quan điểm của Hạt là cương quyết “ngăn chặn và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân xâm hại đến tài nguyên rừng””.

Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Cần xử nghiêm nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO