Biến đổi khí hậu

Bình Đại (Bến Tre): Chủ động thích ứng BĐKH để ổn định sản xuất

Bạch Thanh 19/02/2024 - 13:55

(TN&MT) - Là địa phương ven biển của tỉnh Bến Tre, huyện Bình Đại phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, đã và đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Hiện nay, việc tìm ra giải pháp thích nghi để phát triển lâu dài, bền vững giúp người dân ổn định và nâng cao cuộc sống là nhiệm vụ rất cần thiết và cấp bách. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại.

h1.jpg
Ông Huỳnh Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại

PV: Xin ông cho biết đôi nét về tình trạng của BĐKH và nước biển dâng gần đây đã gây nên những tác động tiêu cực như thế nào đối với địa bàn huyện Bình Đại?

Ông Huỳnh Văn Mai: Thời gian qua, do ảnh hưởng của BĐKH nên thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến ngày càng khó lường và phức tạp, xu hướng triều cường, dông lốc, sạt lở gia tăng đã tác động và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, sinh kế của người dân địa phương.

Trong năm 2022, 2023, huyện Bình Đại đã xảy ra các loại hình thiên tai như: Tình trạng xâm nhập mặn đã gây thiệt hại cây trồng và rau màu của người dân, ước thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng. Dông, lốc làm sập 9 căn nhà, 30 căn nhà tốc mái, 01 căn nhà bị sét đánh trúng gây chập điện cháy nhà, 2 người bị thương… ước thiệt hại trên 1,31 tỷ đồng.

Nghiêm trọng nhất vẫn là tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, sạt lở bờ sông Cửa Đại thuộc xã Long Định với chiều dài khoảng 200m đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhà dân và đường giao thông nông thôn của xã; sạt lở bờ sông Ba Lai thuộc xã Phú Long với chiều dài dài khoảng 1.000m; sạt lở bờ sông Tiền thuộc xã Lộc Thuận với chiều dài khoảng 700m.

Ngoài ra, sạt lở đê biển khu vực xã Định Trung tốc độ nhanh, kéo dài trong nhiều năm với chiều dài khoảng 150m, chiều rộng sạt lở phức tạp, có một số vị trí không thể lưu thông được. Song song đó là hiện tượng sạt lở bờ kênh Giồng Hổ thuộc xã Thới Lai gây ảnh hưởng đến 2 tuyến đường giao thông nông thôn và đất sản xuất của người dân...

h2.jpg
Là huyện ven biển, Bình Đại luôn chịu tác động nặng nề của BĐKH

PV: Như vậy, huyện Bình Đại có những giải pháp gì để ứng phó nhằm góp phần ổn định sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân địa phương?

Ông Huỳnh Văn Mai: Để ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, hàng năm, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các lớp tập huấn, huấn luyện, diễn tập các nội dung phòng chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho hệ thống chính trị và người dân địa phương đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp các cơ quan, tổ chức, người dân nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó với các loại hình thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn như đắp đập tạm, bờ bao cục bộ,... để ngăn mặn, trữ ngọt, cùng với thực hiện các biện pháp trữ nước trong mương vườn và các biện pháp dân gian khác ngay trong mùa mưa năm 2023 nhằm phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt là hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện với 34 tuyến kênh nội đồng hàng năm được đầu tư nâng cấp, nạo vét tạo điều kiện thuận lợi về nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Đồng thời, tổ chức thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai với các dự án trọng điểm như: Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao huyện Bình Đại; Sửa chữa công trình cống Ba Lai; Nâng cấp, sửa chữa mặt đê sông Tiền; Xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại – Ba Tri – Thạnh Phú...

Ngoài ra, huyện cũng đã tập trung triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp về bảo vệ môi trường gắn với điều kiện BĐKH bằng các mô hình như: “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”; “Đổi rác thải nhựa tích điểm lấy giỏ xách và thùng rác”; “Đổi rác thải nhựa lấy dụng cụ học tập”; “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa”; “Xử lý rác thải tại nguồn”. Đồng thời thực hiện tốt việc thu gom rác thải, chai nhựa ven bờ tại các xã biển trên địa bàn và tổ chức ra quân trồng khoảng 6.000 cây xanh tại các tuyến đường giao thông và khu dân cư...

h3.jpg
Tổ chức lại các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao đời sống người dân

PV: Từ cuối năm 2023, ngành chức năng dự báo tình trạng xâm nhập mặn đầu năm 2024 sẽ diễn biến cực đoan, gay gắt, huyện Bình Đại đã có những nhiệm vụ, giải pháp gì để ứng phó, thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Mai: Để nhằm ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, địa phương đã và đang huy động mọi nguồn lực, tập trung lãnh chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống, ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn mùa khô. Vừa qua, huyện tăng cường theo dõi độ mặn trên các sông chính, các công trình đầu mối để kịp thời thông tin cho người dân nắm diễn biến tình hình xâm nhập mặn, các bản tin dự báo, cảnh báo để chủ động ứng phó.

Song song đó, thực hiện tốt công tác vận động, tiếp nhận nguồn tài trợ và phân phối dụng cụ chứa nước, nước ngọt, nước uống, máy lọc nước để kịp thời hỗ trợ đến người dân ứng phó mặn xâm nhập. Tổ chức vận hành tối đa công suất các hệ thống lọc mặn RO đã được trang bị. Kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân trước những diễn biến phức tạp, bất thường của các hiện tượng BĐKH để định hướng tuyên truyền, đảm bảo cho nhân dân chủ động phòng ngừa và thích ứng, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại, rủi ro cho người dân.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác lãnh chỉ đạo các ngành chức năng huyện và các đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện các công trình thích ứng với BĐKH. Phối hợp quản lý, vận hành các cống phù hợp từng vùng, đảm bảo cho việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ tốt cho sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân. Tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để tăng cường khả năng tích trữ nước. Phối hợp xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý tại các công trình thủy lợi để tích trữ nước, hạn chế tối đa ô nhiễm trên các sông, rạch.

Cùng với đó, có kế hoạch tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình công nghệ thích ứng với BĐKH tại các địa phương để mạnh dạn triển khai áp dụng, nhân rộng cho huyện. Đồng thời tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh để đầu tư các công trình, dự án trọng điểm ưu tiên về ứng phó với BĐKH nhằm đảm bảo các điều kiện chủ động ứng phó trên địa bàn huyện trước tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ngoài ra, huyện Bình Đại cũng sẽ tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất để nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm lợi ích cho người dân. Đồng thời tăng cường mối quan hệ phối hợp với các ngành, đơn vị hữu quan trong việc vận động tuyên truyền tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu, mô hình liên kết sản xuất theo hình thức trang trại, gia trại, các tổ hợp tác sản xuất, và từng bước tổ chức lại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn… nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Đại (Bến Tre): Chủ động thích ứng BĐKH để ổn định sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO