Biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng lên nghề cá và không gian ven biển tại các khu vực rừng ngập mặn

24/12/2013 00:00

(TN&MT) - Khi khí hậu nóng lên, các yếu tố như sự biến động nhiệt độ, lượng mưa, nước biến dâng sẽ là những yếu tố tác động mạnh nhất lên hệ sinh thái rừng ngập...

(TN&MT) - Không gian ven biển với đặc trưng nghề cá truyền thống ven biển miền Trung là khu vực nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH đã diễn ra sâu sắc thời gian qua, chính vì vậy, Bộ TN&MT đã phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học Nghiên cứu đánh giá tác động biến đổi khí hậu đến quy hoạch sử dụng không gian của một số đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó; (thí điểm cho khu kinh tế mở Nhơn Hội, Bình Định) (BĐKH-23) để có được những giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này ở vùng ven biển
   
   
Ảnh hưởng của nhiệt độ tăng và biến đổi lượng mưa
   
  Các yếu tố khí hậu tác động một cách tổng hợp lên hệ sinh thái rừng ngập mặn (RNM). Khi khí hậu nóng lên, các yếu tố như sự biến động nhiệt độ, lượng mưa, nước biến dâng sẽ là những yếu tố tác động mạnh nhất lên hệ sinh thái rừng ngập mặn.
   
  Dưới tác động của BĐKH, những năm gần đây, tại miền Bắc, nơi có nhiệt độ mùa đông thấp, đã nhiều lần ghi nhận các đợt lạnh bất thường (ví dụ như đợt lạnh lịch sử mùa đông năm 2007). Các đợt lạnh cực đoan này đã gây ra hiện tượng sương muối nhiều hơn và chính là một nhân tố hạn chế sự sinh trưởng của cây ngập mặn, thể hiện rõ ở triệu chứng là lá cây bị khô cháy. Theo Nguyễn Văn Hải, 1995, ở khu Đông Bắc Việt Nam vào những ngày khô hanh trong mùa đông lạnh bất thường, thường có sương muối vào ban đêm gây tổn thất cho cây ngập mặn, nhất là vào những ngày nước triều kiệt. Hiện tượng lá của một số cây ngập mặn ở ven biển Quảng Ninh như Rhizophora stylosa, Bruguiera gymnorhiza, Excoccaria agallocha và Cerbera manga đã quan sát thấy bị khô cháy và chết từng phần do sương muối khi nhiệt độ ban đêm xuống dưới 00C (Nguyễn Văn Hải, 1995).
   
  Cùng với nhiệt độ, sự biến đổi của lượng mưa cũng có ảnh hưởng lớn đến sự phân bố và phân vùng của các loài cây ngập mặn. Sở dĩ lượng mưa có ảnh hưởng đến sự phân bố các quần xã và thành phần loài vì nó cung cấp nước cho đất, tăng cường lượng nước ngọt chảy qua bề mặt, làm giảm nồng độ muối trong đất, nhất là vào thời gian cây sinh trưởng mạnh mẽ (lúc cây con mới bén rễ và lúc cây ra hoa kết quả), tránh cho cây khỏi bị “hạn sinh lý”do nồng độ muối cao. Vì vậy, mùa mưa thường cũng là mùa ra hoa, kết quả và phát tán hạt giống của các cây ngập mặn. Tuy nhiên, lượng mưa lớn không phải bao giờ cũng có lợi. Do ảnh hưởng của BĐKH nên các hiện tượng mưa, lũ lớn thường xuyên xảy ra hơn cả về cường độ và thời gian. Khi mưa lớn chỉ tập trung trong thời gian ngắn và nhiều tháng còn lại trong năm bị khô hạn sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho sự sinh trưởng và phân bố của cây ngập mặn. Trong hoàn cảnh đó, mưa lớn sẽ lọc rửa hết muối trong đất, ngược lại về mùa khô lượng muối trong đất lại quá cao. Ảnh hưởng này của mưa lớn do BĐKH đã được quan sát thấy ở khu vực Bắc Trung Bộ. Số liệu khí tượng tại các khu vực như thị xã Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, thị xã Đồng Hới… cho thấy đây là những nơi thường có mưa lớn bất thường và xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, có ngày mưa tới 400-500 mm và thường tập trung vào 2 tháng 9 và 10, trùng với mùa mưa bão (cũng có tần xuất xuất hiện thường xuyên hơn do ảnh hưởng của BĐKH) nên lượng mưa càng lớn hơn và làm đất ngập mặn bị lọc hết muối, nhất là khi con nước kém. Chính vì vậy, cây ngập mặn tại những khu vực này thường bị ngừng sinh trưởng hoặc chết cây con. Một số nơi, mưa lớn đã cuối theo cát, sỏi, đá cuội ra các bãi lầy, lấp rễ hô hấp và phá huỷ cây con đang tái sinh. Hiện tượng này đã được quan sát thấy ở vùng cửa sông Ba Chẽ, bởi vậy, sự phân bố cây ngập mặn ở đây ngày càng thưa và không đồng đều.
   
Ảnh hưởng của mực nước biển dâng
   
  Tại Việt Nam, tác động của sự biến đổi mực nước biển đối với HST RNM ở từng vùng không giống nhau. Nguyên nhân chi phối tác động đó là tốc độ bồi đắp và điều kiện địa hình trong RNM ở từng khu vực khác nhau trước sự tăng của mực nước biển. Tác động của nước biển dâng tới HST RNM của Việt Nam có thể ở các dạng như ảnh hưởng lên sự bồi đắp phù sa và trầm tích vùng RNM, đẩy nhanh tốc độ xói lở vùng ven biển có RNM… Dưới tác động của BĐKH, gió mùa và bão sẽ xảy ra thường xuyên hơn, gây nên gió to, sóng lớn là mực nước biển dâng cao hơn và thường xuyên hơn, góp phần đẩy nhanh tốc độ xói lở bờ biển, nhiều khu RNM của Việt Nam đã bị chìm xuống biển như dải rừng suốt dọc phía đông mũi Cà Mau, làm mất nơi ở của nhiều loài động vật trong rừng và ở bãi triều, làm mất nơi đẻ của một số loài tôm, cá. Ở phía Nam một số cửa sông của khu vực ĐBSCL như cửa Hàm Luông, cửa Định An, cửa Trần Đề cũng có hiện tượng xói lở bờ biển và RNM do gió mùa đông bắc và nước biển dâng. Nhiều vùng cửa sông cũng bị xói lở từng mảng. Nước biển dâng cùng với gió mùa, bão, triều cường đã làm xói lở bờ biển, gây xói mòn nền đất RNM, lộ dễ cây, sạt lở bờ sông ở các vùng cửa sông, cuốn trôi cây ngập mặn. Ở phía Đông bán đảo Cà Mau, gió mùa Đông Bắc (gió chướng) cùng với triều cường đã làm xói lở hàng chục km từ Gành Hào xuống đến xóm Đất Mũi, mỗi năm có chỗ mất 20-30m chiều rộng như ở cửa sông Bồ Đề, Rạch Gốc, khu vực Khai Long… làm đổ các cây RNM, trong đó có nhiều mắm biển (Avicennia marina) đước, tràm, sú vẹt lâu năm.

  Đồng thời, nước biển dâng đã tạo điều kiện cho cây ngập mặn lấn sâu vào nội địa và tiêu diệt các loại cây trồng khác. Đối với nước ta, mực nước biển dâng sẽ làm mất đi một vùng đất thấp rộng lớn/các hệ sinh thái đất ngập nước của các đồng bằng lớn nhất cả nước.
   
Ảnh hưởng của bão
   
  Bão cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng nước biển dâng và gây tác động đến HST RNM. Với tần suất bão lớn (hàng năm có từ 5 -10 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào vùng bờ), hầu như năm nào Việt Nam cũng phải hứng chịu nước dâng do bão. Nước dâng lớn thường xảy ra tại các vùng miền Trung: ở dải ven bờ Nghệ An đã đo được nước dâng do bão trên 3,2m; dải ven bờ từ Thừa Thiên Huế trở vào Nam Trung Bộ, nước dâng đo được thay đổi trong khoảng 2,5 – 3m; dải ven biển Nam Bộ có những đặc thù riêng về đường bờ, kênh rạch và hệ thống rừng ngập mặn, nước dâng cũng đã đo được từ 1m tới 2,5m.
   
  Do tác động của BĐKH bão lũ ngày càng xuất hiện với tần xuất lớn hơn và mức độ mạnh hơn đã gây ảnh hưởng lớn đến các hệ sinh thái đất ngập nước đặc biệt là các khu rừng ngập mặn trong các đầm phá ven biển hoặc bãi bồi phù sa. Nhìn chung, RNM thường không thể phát triển được ở những nơi chịu tác động trực tiếp theo chu kỳ năm của bão. Những cơn bão lớn xuất hiện hàng năm vào các tỉnh ven biển với tần xuất và cường độ ngày càng khốc liệt hơn do tác động của BĐKH đã làm vỡ đê biển, phá huỷ các RNM tự nhiên hoặc trồng để bảo vệ đê, phá huỷ môi trường sống của nhiều loài tôm cá biển cũng như chim nước. Nước biển dâng cao nhất trong những ngày có mưa bão kết hợp triều cường, có khi lên tới 5-8 m gây ra thiệt hại to lớn về tài sản của cộng đồng ven biển, làm cho bờ biển bị xói lở, kể cả những vùng có các dải rừng ngập mặn phòng hộ.
   
Ảnh hưởng lên nghề cá trong và xung quanh các khu vực rừng ngập mặn
   
  Rừng ngập mặn cùng với 2 hệ sinh thái biển – ven biển nhiệt đới điển hình (rạn san hô và thảm cỏ biển) quyết định phần lớn năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Có thể nói, rừng ngập mặn chính là cái nôi của nghề cá ven bờ (cả khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ven bờ). Phần lớn các hoạt động của nghề cá (cả khai thác và nuôi trồng) được thực hiện ở vùng ven bờ đều có liên quan đến HST rừng ngập mặn. Xét trên tổng thể ngành thuỷ sản, theo ước tính khoảng gần 50% sản lượng tôm sú thu được của ngành là được nuôi và khai thác có liên quan đến rừng ngập mặn. Liên quan đến người nghèo, thu nhặt cua, ốc, cá, tôm từ rừng ngập mặn chính là nguồn thu nhập chính của họ. Ví dụ, cua biển là một loại hải sản có giá trị kinh tế cao, có mối quan hệ mật thiết với RNM, hầu hết vòng đời của cua biển sống trong RNM. Các nghề khai thác hải sản truyền thống liên quan đến RNM như nghề sẻo, soi, đăng, đáy, câu, vó, xúc thủ công, sáo, nò, bắt tay… cũng bị mai một do không còn rừng ngập mặn và nguồn lợi đi kèm theo RNM để hoạt động.
   
  Ngoài ra, cùng với việc diện tích rừng bị suy giảm do nước biển dâng, RNM còn bị phá huỷ làm đầm nuôi tôm, việc đào mương dẫn nước vào vùng đầm đã đã ảnh hưởng đến môi trường sống của chim ở trong vùng lõi, một số cây là nơi làm tổ chết, chim không đủ lượng nước ngọt để uống, nhiều loài chim và một số loài bò sát cũng biến mất.
  Trước những kết quả nghiên cứu bước đầu về những ảnh hưởng yếu tố khí hậu đến không gian vùng vewn biển, các nhà khoa học sẽ tiếp tục xây dựng  Hệ thống bản đồ tỷ lệ 1:100.000 và báo cáo chuyên đề tương ứng về độ sâu, địa mạo dọc bờ và biển, địa chất, khoáng sản, hệ sinh thái, tài nguyên sinh vật, môi trường (trầm tích/đất, nước, sinh vật), tai biến khí hậu, tai biến địa chất, kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và biển đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam. Hệ thống mô hình xâm nhập mặn, lan truyền ô nhiễm theo các kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng và phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống bản đồ hiện trạng và dự báo biến động tỷ lệ 1:25.000 và báo cáo chuyên đề về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, tai biển thiên nhiên, kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng không gian biển vùng kinh tế mở Nhơn Hội theo các kịch bản Biến đổi khí hậu nước biển dâng. Bản đồ tỷ lệ 1:100.000 định hướng quy hoạch sử dụng không gian vùng ven biển Miền Trung theo các kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu và Đề xuất các giải pháp ứng phó.
   
Thanh Phương
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng lên nghề cá và không gian ven biển tại các khu vực rừng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO