Theo tính toán, nhiệt độ gia tăng trên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm tình trạng tuyệt chủng của các loài, sự sụp đổ của hệ sinh thái, các bệnh do muỗi gây ra, nắng nóng gây chết người, tình trạng thiếu nước ngọt và giảm sản lượng mùa vụ. Chỉ trong năm 2021, thế giới đã hứng chịu hàng loạt thiên tai như lũ lụt, nắng nóng kéo dài và cháy rừng ở khắp 4 lục địa, vốn chưa từng xảy ra trước đó.
Dự kiến, báo cáo được thông qua tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) sẽ cảnh báo rằng, ngay cả khi thế giới đẩy mạnh giảm phát thải carbon, một trong những nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu, tất cả những tác động nghiêm trọng trên vẫn có nguy cơ gia tăng trong những thập kỷ tới.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển bền vững và Phát triển quốc tế ở Paris (Pháp), đồng tác giả báo cáo trên, Alexandre Magnan, ngay cả khi có các giải pháp nhằm giảm phát thải carbon, vẫn cần những biện pháp để thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Báo cáo dự kiến cũng sẽ nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thích nghi với thời tiết nắng nóng cực đoan, lũ quét và nước biển dâng.
Báo cáo trên là báo cáo thứ 6 của IPCC kể từ năm 1990, được chia thành 3 phần, mỗi phần có sự tham gia của hàng trăm các nhà khoa học. Trong đó, dẫn số liệu từ năm 2021, phần đầu tiên về khoa học tự nhiên nhấn mạnh, nhiệt độ Trái đất gần như chắc chắn sẽ tăng ở mức hơn 1,5 độ C trong vòng 1 thập kỷ tới.
Hiện tại, nhiệt độ bề mặt Trái Đất đã tăng 1,1 độ C so với thế kỷ 19. Trong khi đó, theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các bên cam kết hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức dưới 2 độ C và mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Do đó, theo số liệu báo cáo lần này của IPCC, các quốc gia có thể phải tăng cường hơn nữa mục tiêu của họ.
Báo cáo sẽ tập trung vào những tác động của biến đổi khí hậu, cũng như những khoảng cách về bất bình đẳng giữa các khu vực và giữa các quốc gia do biến đổi khí hậu gây ra.