Bất lợi cho sản xuất, đời sống
TS. Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình triển khai sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, đầu năm thì diễn biến thời tiết và xâm nhập mặn sâu bất thường, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 đang trong giai đoạn đòng, trổ trên địa bàn huyện Kiên Lương và Giang Thành.
Đến vụ hè thu và thu đông 2018, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, mưa dông liên tục kéo dài. Rồi đến mùa nước nổi, lũ ở mức cao và đến sớm hơn so với dự báo, đã xảy ra ngập úng ở một số địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại cho một số diện tích lúa tại các địa phương như: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp… làm ảnh hưởng đến diện tích, năng suất và sản lượng thu hoạch chung của tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Kiên Giang, thiên tai làm 8 phương tiện bị chìm, 3 người chết, 8 người bị thương, sập 248 căn nhà, tốc mái 387 căn. Ngoài ra, dông lốc còn làm hư hỏng 4 lồng bè nuôi cá trên biển, 2 chiếc ghe, 2 chiếc xuồng và 1 dàn lưới đánh bắt hải sản ở huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Ước tổng giá trị thiệt hại về vật chất do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay là trên 10 tỷ đồng.
Biến đổi khí hậu còn gây ra tình trạng sạt lở khá nghiêm trọng ở khu vực ven biển và ven sông của tỉnh Kiên Giang. Hiện trong tổng chiều dài hơn 200 km đê biển của tỉnh, có khoảng 37 km bị sạt lở, trong đó có 24 km sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 250 hộ dân.
Theo TS. Đỗ Minh Nhựt: “Hiện có 4 huyện ven biển bị sạt lở nghiêm trọng, gồm: An Minh (khoảng 12,5 km), An Biên (4,5 km), Hòn Đất (5 km) và Kiên Lương (2,25 km). Trong khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích bãi bồi ven biển bị sạt lở khoảng 500ha, chiều rộng sạt lở, mất đi đai rừng phòng hộ từ 60 - 300 m”.
Khu vực ven sông, khảo sát mới đây cho thấy, toàn tỉnh có 31 km bị sạt lở nghiêm trọng, cần phải đầu tư khắc phục. Trong đó, các địa phương bị sạt lở nhiều là thành phố Rạch Giá với 12 km, huyện Hòn Đất 13,2 km và U Minh Thượng là 5,9 km.
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu tác động đến khu vực ĐBSCL nói chung và Kiên Giang nói riêng không còn là lời cảnh báo nữa mà đã trở nên hiện hữu.
Cụ thể tại tỉnh Kiên Giang, những năm gần đây vùng ven biển bị nhiễm mặn ngày càng gia tăng, thiếu nước ngọt trầm trọng cho cả sản xuất và sinh hoạt. Đối tượng chịu tác động nặng nề nhất không ai khác chính là người nông dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Để giảm thiểu những tác động bất lợi này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, kể cả công trình và phi công trình. Đối với giải pháp công trình, cần sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây. Khu vực Hòn Đất - Kiên Lương, với hệ thống thoát lũ, ngăn mặn đã được đầu tư nhiều năm qua tương đối hoàn chỉnh. Riêng khu vực An Biên - An Minh đang được đầu tư xây dựng, nhưng do khó khăn về vốn nên tiến độ khá chậm.
Tuy nhiên, để hiện toàn bộ hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang, với tổng chiều dài hơn 200 km, nhằm chủ động điều tiết mặn, ngọt, giảm thiểu những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra, cần phải đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợ Cái Lớn – Cái Bé, với kinh phí khá lớn, hiện đã có chủ trương đầu tư.
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện các dự án, như: Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL; Dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn vùng ven sông Cái Bé (huyện Châu Thành); Dự án đê biển An Biên - An Minh gồm 6 cống; Dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015-2020; Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp nâng cấp mở rộng cảng cá Thổ Chu và bến cá mũi Gành Dầu (huyện Phú Quốc)… |