BHXH Quảng Ninh: Chuyển đổi số phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp
(TN&MT) - BHXH Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả quy trình, nghiệp vụ của ngành nhằm phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.
Công tác chuyển đổi số luôn được Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh chú trọng và chủ động đi trước một bước, tạo ra những đột phá để phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả quy trình, nghiệp vụ của ngành. Từ đó, đảm bảo an toàn dữ liệu, an ninh mạng, tăng mức độ chính xác, giảm tối đa giao dịch trực tiếp giữa người dân và cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Từ năm 2015, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện phương thức giao dịch điện tử trên toàn hệ thống của ngành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đến nay toàn tỉnh có tổng số 8.015/9.228 đơn vị sử dụng lao động đã thực hiện phương thức giao dịch hồ sơ điện tử.
Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh tích cực triển khai hướng dẫn đăng ký, cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID) cho người dân trên nền tảng thiết bị di động cá nhân; hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Sử dụng ứng dụng VssID, người tham gia bảo hiểm xã hội có thể theo dõi quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của mình; thực hiện giao dịch điện tử cá nhân về cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất, cấp lại sổ bảo hiểm xã hội; người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng nắm thông tin khi chuyển sang tài khoản cá nhân;…
Đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 643.572 người cài đặt và sử dụng VssID trên điện thoại thông minh.
Đặc biệt, thực hiện Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 (Đề án 06), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như: Công an, tư pháp, thuế, y tế,…
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 16 quyết định, 21 kế hoạch và hơn 200 văn bản chỉ đạo điều hành; thành lập Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 1 chỉ thị; 2 kế hoạch và 126 văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án 06.
Để việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh tra cứu dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính đến hết 30/9/2023, toàn tỉnh có trên 1.261.753 người tham gia, trong đó dữ liệu cá nhân của 1.182.267 người đã được xác thực điện tử thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 94% tổng số người trong toàn tỉnh.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân gắn chíp điện tử trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 827.594 người sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy khi khám chữa bệnh và kết nối hệ thống tra cứu kết quả trên cơ sở dữ liệu được tích hợp.
Đến nay toàn tỉnh có 125/125 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân.
Cải cách thủ tục hành chính phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện việc đăng ký cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 6 tuổi; trợ cấp mai táng phí thông qua dịch vụ liên thông; thực hiện chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ cao.
Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng tập trung đổi mới thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 trên cổng dịch vụ công của ngành. Đồng thời tích hợp cung cấp 13 dịch vụ công của ngành trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo anh Đinh Văn Hào, 36 tuổi, trú ở phường Cao Xanh (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình thực hiện thủ tục hành chính đã mang lại rất nhiều thuận lợi cho người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội.
“Vừa qua, tôi đến Trung tâm Hành chính công thành phố Hạ Long để làm thủ tục xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do thông tin bị sai lệch.
Sau khi được cán bộ Bảo hiểm xã hội hướng dẫn kê khai lại thông tin, tôi đã được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế mới ngay trong chiều cùng ngày.
Trước đây việc sửa đổi thông tin hoặc xin cấp phải phải mất ít nhất 2 ngày nhưng nay chỉ cần sáng đến làm thủ tục và chiều đến nhận hoặc có thể thông qua đơn vị bưu điện nhận tại địa chỉ nhà riêng. Như vậy có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại cho người dân” Anh Hào cho biết.
Là đơn vị thực hiện khai thác hầm lò của ngành Than, Công ty Cổ phần than Mông Dương có gần 3.400 người lao động.
Trước đây, mỗi lần giải quyết các thủ tục liên quan đến chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, cán bộ hành chính của công ty phải trực tiếp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh để làm việc. Do công ty có số lượng người lao động đông nên cán bộ hành chính sẽ mất nhiều thời gian và chi phí đi lại.
Sau khi Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai thực hiện phương thức giao dịch điện tử trên toàn hệ thống của ngành, kể từ năm 2017, Công ty Cổ phần Than Mông Dương đã thực hiện phương thức giao dịch điện tử.
Theo đó, cán bộ hành chính phụ trách Bảo hiểm xã hội của công ty chỉ cần ngồi tại nơi làm việc thực hiện việc khai báo với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh. Trong thời gian rất ngắn, các thủ tục liên quan đã được hoàn tất.
Chị Phạm Thị Hiền, cán bộ hành chính Công ty Cổ phần than Mông Dương chia sẻ, việc áp dụng giao dịch điện tử đem lại rất nhiều thuận lợi.
Với phương thức giao dịch hồ sơ điện tử, từ đầu năm đến nay, công ty đã kịp thời giải quyết các chế độ của người lao động liên quan đến tăng, giảm lao động, chế độ công ốm, thai sản, tử tuất, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa bệnh và điều trị cho hơn 7.500 lượt người.
Trong lộ trình phát triển, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Huy động mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả nhất.