Bệnh viện lo chống rác thải nhựa

Theo nld.com.vn| 20/08/2019 15:25

Mỗi ngày, các bệnh viện thải ra khoảng 22 tấn chất thải y tế bằng nhựa. Sắp tới, giảm thiểu chất thải nhựa sẽ là tiêu chí trong chấm điểm bệnh viện xanh - sạch - đẹp.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ đã ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa trong bệnh viện (BV). Việc ký kết này cũng diễn ra tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

22 tấn rác thải nhựa mỗi ngày

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị hơn 150 triệu lượt bệnh nhân và trên 300 triệu lượt người khám ngoại trú. Mỗi bệnh nhân thường đi kèm 1-2 người nhà nên lượng rác thải ra rất lớn. Theo báo cáo nhanh từ một số BV, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, tương đương 22 tấn/ngày.

Trong khi đó, ở một số BV tuyến trung ương, tỉ lệ nhựa trong chất thải y tế dao động trong khoảng 10%-45% và tỉ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt là 12%-17%. Đa số chất thải nhựa là túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần để đựng thuốc, hóa chất… và bao, túi, chai nhựa sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.

Đơn cử, BV Bạch Mai (TP Hà Nội) mỗi ngày thu gom gần 15 tấn rác sinh hoạt, trong đó 5% (tương đương 750 kg) là túi ni-lông, ống hút nhựa, hộp xốp...

Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng ở hầu hết các BV trên toàn quốc, chất thải nhựa chiếm một số lượng cực lớn mà chỉ cần nhìn vào thói quen sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà là có thể hình dung được.

trang 15a 1566221449933481554015
unnamed 1566221449933736454763
Người nhà bệnh nhân vẫn sử dụng túi ni-lông để đựng thức ăn (ảnh trên) và một thùng rác đầy chất thải nhựa ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM). Ảnh: Ý Linh

Dùng hộp xốp, túi ni-lông vì... tiện

Tại BV Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM), chúng tôi ghi nhận nhiều thùng rác chất đầy túi ni-lông, hộp xốp, ly nhựa… Một người đàn ông tay xách túi thức ăn được cột cẩn thận trong nhiều lớp ni-lông, tay còn lại ném một túi ni-lông đầy vỏ trái cây, chai nhựa vào thùng rác đã đầy tràn. Khi được hỏi vì sao không phân loại rác, người này đáp nhanh: "Trong khu vực này chỉ có thùng rác xanh lá, vứt chung cũng tiện hơn".

Khi đó là vào giờ cơm chiều, nhiều người nuôi bệnh trở về phòng với lỉnh kỉnh tô nhựa, hộp xốp đựng thức ăn. Anh P.H.Th (37 tuổi, đang chăm sóc vợ tại BV Nhân dân Gia Định) cho biết: "Cơm từ thiện lâu nay vẫn được đựng trong bịch, hộp xốp. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng với tôi, miễn sao có cơm trắng, canh nóng để ăn là được rồi".

Theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường Nơ Trang Long, ngoài BV Nhân dân Gia Định còn có BV Ung Bướu TP HCM. Ở đây mỗi ngày có ít nhất một lượt phát cơm từ thiện và dĩ nhiên cơm, thức ăn đều được đựng trong hộp xốp, túi ni-lông.

Tình trạng người nhà bệnh nhân đi mua thức ăn đựng trong túi ni-lông, hộp xốp phổ biến khắp nơi, nhất là khi các xe đẩy, hàng quán vỉa hè luôn tập trung rất đông trước cổng các BV.

Căng-tin của BV Hùng Vương (quận 5, TP HCM) sạch sẽ nhưng vì nằm trên lầu 5 và giá thành cao hơn các hàng quán trước cổng BV nên nhiều người nhà sản phụ chọn mua thức ăn ngoài. Không chỉ hàng quán vỉa hè, căng-tin và cửa hàng tiện lợi nằm trong khuôn viên BV cũng dùng túi ni-lông, hộp nhựa đựng thức ăn bán cho khách.

Ở BV Hùng Vương, thùng rác được phân loại khá rõ. Chị Chà Thị Đẹp (nhân viên Công ty Pan Services - đối tác cung cấp dịch vụ làm sạch cho BV Hùng Vương) cho biết lượng chất thải nhựa do bệnh nhân và người nhà thải ra BV rất lớn. Nhân viên vệ sinh phải dọn dẹp các thùng rác ít nhất 2 lần/ngày. Phần lớn là các thùng chứa rác thải nhựa.

Thay đổi nhận thức là chính

Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, cho biết thời gian qua, tại một số cơ sở y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa.

Cụ thể, BV Trung ương Huế đã chủ động giảm đồ dùng bằng nhựa theo nguyên tắc: Giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế. Các cơ sở y tế tại tỉnh Bình Định 4 tháng đầu năm 2019 đã thu gom xử lý hơn 73 tấn chất thải nguy hại, 6,5 tấn chất thải nhựa có thể tái chế. Nhờ tái chế, tái sử dụng túi ni-lông, các BV ở Bình Định đã giảm được 10.000 túi ni-lông thải ra môi trường.

Trong khi đó, ở các BV như Bạch Mai, Nhân dân Gia Định, Hùng Vương không dùng túi ni-lông phát thuốc cho bệnh nhân; sử dụng máy truyền dịch thay thế bơm tiêm tự động dùng một lần; tăng cường sử dụng thuốc uống thay vì thuốc chích; trang bị bình nước uống 20 lít kèm ly giấy phục vụ bệnh nhân; sử dụng khay gỗ, inox cung cấp bữa ăn cho bệnh nhân và người nhà…

ThS-BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc BV Hùng Vương, cho biết các giải pháp kéo giảm rác thải nhựa được BV thực hiện từ tháng 4/2019. Theo bà Hằng, để giảm thiểu lượng chất thải nhựa, vấn đề quan trọng nhất là thay đổi được nhận thức của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là một quá trình dài và không đơn giản. Các chủ trương, kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa bước đầu chỉ mới tác động được đến nhân viên BV và một số ít bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. 

Không đánh trống bỏ dùi

Để tránh tình trạng phát động xong rồi... để đấy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu tới đây, các BV phải đưa việc giảm thiểu chất thải nhựa trở thành tiêu chí đánh giá BV xanh - sạch - đẹp, đồng thời bố trí nguồn lực hợp lý bảo đảm để việc kiểm tra, giám sát diễn ra thường xuyên. "Những sản phẩm nhựa dùng một lần cần thay thế bằng vật dụng làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân không sử dụng mũ trùm đầu, bọc giày, túi đựng thuốc, túi đựng chất thải làm bằng ni-lông khó phân hủy. Các BV triệt để phân loại chất thải nhựa để tái chế; đưa tiêu chí giảm chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị; truyền thông, hướng dẫn nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa..." - Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện lo chống rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO